Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2019

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2716/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2019

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2019

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng 10 năm 2019, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 10/2019

Tổng hợp trong tháng 10/2019, VCCI thống kê có 77 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp  gửi đến 18 bộ, ngành, địa phương. Tính đến hết 31/10/2019, đã có 24 kiến nghị được trả lời, còn 53 kiến nghị chưa được trả lời, trong đó, số kiến nghị quá thời hạn trả lời là 18 chiếm khoảng 34%, còn lại 35 kiến nghị vẫn trong thời hạn nghiên cứu trả lời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị trả lời kiến nghị tích cực nhất trong tháng, Các Bộ:  Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hồ Chí Minh là những bộ, ngành, địa phương có nhiều kiến nghị quá hạn chưa được trả lời.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo. Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính nhận được 17 kiến nghị của doanh  nghiệp, là đơn vị nhận được kiến nghị nhiều nhất trong tháng (đã trả lời 4 kiến nghị, còn lại 13 kiến nghị, không có kiến nghị nào quá hạn). Nội dung cơ bản của các kiến nghị gồm: xác định thời điểm ghi nhận doanh thu trong hoạt động dịch vụ giới thiệu người Việt Nam đi định cư nước ngoài; hướng dẫn thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể và thanh toán, quyết toán chi phí; phạm vi xác định thu nhập chịu thuế cho người nước ngoài đến Việt Nam làm việc; hướng dẫn thực hành, quyết toán đề tài khoa học công nghệ; quy định về hoạt động môi giới cổ phần; thủ tục xin khôi phục lại mã số thuế; hướng dẫn trị giá thuế hải quan và thuế nhà thầu; …

+ Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc có văn bản góp ý Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2017/TT-BTC “quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau”. Công ty cho rằng dự thảo sửa đổi Thông tư 44/2017/ TT-BTC lần này (có bổ sung ý kiến của UBND tỉnh Cao Bằng), Công ty thấy khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản niken được nêu ra trong Dự thảo vẫn rất cao với điều kiện khai thác quặng. Vì vậy, Công ty đã đề xuất một khung giá tính thuế tài nguyên với quặng niken với Bộ Tài chính.

+ Công ty CP đầu tư phát triển BĐS Bình An, Công ty CP đầu tư và thương mại Nhà Rồng và Công ty CP đầu tư RC12 kiến nghị Chính phủ xem lại Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2017 quy định về nguyên tắc khấu trừ chi phí hợp lý đối với giao dịch liên kết. Theo quan điểm của các công ty, do Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty chỉ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ của các Công ty, nên các Công ty này bị loại trừ chi phí lãi vay làm cho Công ty phát sinh tăng lợi nhuận ảo và dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty bị điều chỉnh tăng và phải nộp theo lợi nhuận gây thiệt hại cho các công ty.

+ Công ty TNHH Kingmo New Materials Việt Nam kiến nghị việc Chi cục Hải quan Bắc Ninh ra Quyết định ấn định thuế đối với 61 tờ khai của sản phẩm xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu kê khai theo loại hình sản xuất xuất khẩu kể từ ngày 1/9/2016. Công ty cho rằng việc thay đổi chính sách thuế tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP từ ngày 1/9/ không được cơ quan hải quan hướng dẫn cập nhật để khai báo hải quan, khai báo thuế lại cho đúng. Cũng chính vì không có sự hướng dẫn của Hải quan Bắc Ninh và sự thiếu cập nhật chính sách mới của công ty mà kể từ ngày 1/9/2016 khi có Nghị định 134/2016/NĐ-CP mọi sự thông quan nguyên liệu nhập, sản phẩm xuất của công ty vẫn được thông suốt, cơ quan hải quan vẫn cho thông quan bình thường và giá bán sản phẩm sản xuất xuất khẩu của công ty hoàn toàn không có yếu tố thuế trong đó. Nay cơ quan hải quan ra quyết định truy thu hồi tố thuế xuất khẩu đã làm cho công ty lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 18 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 9 kiến nghị, còn lại 9  kiến nghị, trong đó còn hạn 7 kiến nghị, quá hạn 2 kiến nghị). Nội dung cơ bản đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật gồm:

+  Hướng dẫn pháp luật về đấu thầu đối với các nội dung: xử lý tình huống trong lựa chọn nhà thầu; thẩm quyền của trưởng văn phòng đại diện ký và đóng dấu đại diện cho gói thầu; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư; mua sắm vật tư thiết bị để thi công đối với gói thầu được trúng thầu và giao thực hiện hợp đồng; cách đánh giá hợp đồng tương tự trong hồ sơ mời thầu tư vấn thiết kế tham gia gói thầu giám sát thi công xây dựng công trình; xác định “người có thẩm quyền” theo quy định của Luật Đấu thầu; chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nhận thầu kiểm toán …

+ Hướng dẫn thực hiện pháp luật trong một số nội dung khác như: đề nghị bổ sung dịch vụ ngành nghề cho thuê các thiết bị vận tải; sửa đổi khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp; điều kiện chuyển đổi trường phổ thông, cao đẳng 100% vốn Việt Nam thành 100% vốn nước ngoài; ghi mã ngành trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp; hiệu lực của người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác …

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được 9 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 2 kiến nghị, còn lại 7 kiến nghị, trong đó còn hạn 5 kiến nghị, quá hạn 2 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về: hướng dẫn chế độ dôi dư đối với người lao động và người quản lý khi thực hiện cổ phần hóa; thời điểm thanh toán tiền lương cho ngày phép hàng năm chưa sử dụng của người lao động; hướng dẫn về vấn đề cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; kiến nghị tăng giờ làm thêm từ 200h lên 400h/năm; ký hợp đồng lao động với người đã từng làm việc tại công ty; nghỉ quá ngày phép, nghỉ ốm không có giấy bác sĩ… 

- Bộ Xây dựng nhận được 5 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 3 kiến nghị, còn lại 2 kiến nghị, không có kiến nghị quá hạn). Nội dung các kiến nghị đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về: hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng đối với hợp đồng trọn gói khi có điều chỉnh vị trí hướng tuyến so với thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt; thanh toán và tính chi phí hạng mục chung đối với hợp đồng trọn gói; hướng dẫn về chuyển quyền sở hữu mua bán căn hộ chung cư....

- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 6 kiến nghị của doanh nghiệp (trả lời 2 kiến nghị, còn lại 4 kiến nghị, trong đó còn hạn 1 kiến nghị, quá hạn 3 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị bao gồm: hướng dẫn các dự án thuộc trường hợp được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường;  thế chấp quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế được giao đất, cho thuê đất nhưng được miễn một phần; áp giá tính thuế tài nguyên vào tính tiền lệ phí cấp quyền khai thác nước; hướng dẫn lập ĐTM cho Dự án có sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; hướng dẫn lập hồ sơ xin cấp phép khai thác mặt nước ...

- UBND TP Hồ Chí Minh nhận được 3 kiến nghị của doanh nghiệp nhưng chưa trả lời kiến nghị nào. Tất cả các kiến nghị này đều đã quá hạn trả lời. Nội dung các kiến nghị gồm: đề nghị hướng dẫn thủ tục điểu chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hướng dẫn thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ; đề nghị xin được lập nghiên cứu tiền khả thi công trình cầu đi bộ Thủ Thiêm tại TP. Hồ Chí Minh.

- Các bộ: Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều nhận được 2 kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó, Bộ Y tế đã trả lời hết các kiến nghị, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trả lời được 1 kiến nghị còn lại các bộ Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông chưa trả lời kiến nghị nào. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP Cần Thơ, Đà Nẵng và UBND tỉnh Bắc Giang đều nhận được 1 kiến nghị nhưng đều chưa được trả lời, trong đó có một số kiến nghị đã quá hạn trả lời.  

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương từ đầu năm đến 31/10/2019:

Trong tháng 10/2019, VCCI nhận được 67 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 11 bộ, ngành, địa phương (tăng 9 văn bản so với tháng 9/2019). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Mặc dù nhận được số kiến nghị khá lớn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính trả lời kiến nghị doanh nghiệp kịp thời, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ trả lời khá nhanh và số lượng kiến nghị quá hạn trả lời ít so với tổng số kiến nghị đã nhận được. Một số bộ, ngành trả lời kiến nghị chậm như: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh,…

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2019 đến hết 31/10/2019, còn 158 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Một số kiến nghị tồn đọng từ đầu năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng từ đầu năm như:  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh ...

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 10/2019, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và tổ chức quốc tế liên quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hôi nghị, tọa đàm …nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, góp ý chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân và phát triển kinh tế ngành, địa phương, đối ngoại… như:

+ Tổ chức Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ" tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành trong vùng kinh tế Bắc Trung Bộ. Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, xác định rõ những nút thắt, gợi ý chính sách, đề ra giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, gia tăng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ.

+ Phối hợp triển khai Chương trình Én xanh 2019. Với thông điệp “Mỗi sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng sẽ là một cánh én nhỏ mang lại hy vọng và thay đổi tích cực cho xã hội”, chương trình được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh những sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng. Chương trình Én xanh 2019 được triển khai trên toàn quốc, thu hút được 160 sáng kiến kinh doanh đang góp phần thay đổi cộng đồng. Gala Tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững – Trao giải Én xanh 2019 đã được tổ chức tại Hà Nội, vinh danh những sáng kiến xuất sắc nhất, có đóng góp tích cực cho môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh, kinh doanh vì cộng đồng…

+ Tổ chức Hội thảo chuyên đề “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho Hội nhập?” tại Hà Nội. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu là chuyên gia từ các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí... để thảo luận về các vấn đề: thách thức trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập; việc đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành. Với những ý kiến đóng góp thực tế từ phía doanh nghiệp và các chuyên gia trong Hội thảo đã đưa ra một góc nhìn chân thực và toàn diện về pháp luật kinh doanh, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam, sẵn sàng cho hội nhập.

+ Tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án. Hơn 100 đại biểu là đại diện cơ quan nhà nước, các Hiệp hội doanh nghiệp, Trung tâm trọng tài, hoà giải, các công ty bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, văn phòng luật sư… đã tham dự và thảo luận tại hội thảo.

+ Tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan việc đóng góp ý kiến, chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi):

Tổ chức Hội nghị Người sử dụng lao động toàn quốc năm 2019 đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, một số Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức, cơ quan liên quan, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp. Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung lơn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đề xuất các khuyến nghị nhằm hoàn thiện Dự thảo Bộ luật, đảm bảo mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Tiếp tục tham gia rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

+ Tổ chức đóng góp ý kiến đối với một số dự thảo văn bản pháp luật như: dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài; Nghị định về Chống thư rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và gọi điện; Thông tư Bãi bỏ văn bản pháp luật; Thông tư Quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam; Thông tư Quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; Thông tư Quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi chứng nhận Khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên và Thông tư Quy định đảm nhiệm chức danh trên phương tiện, phạm vi trách nhiệm của thuyền viên; Thông tư Sửa đổi một số điều của Thông tư số 35/2014/TT-NHNN quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thông tư Quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2025… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- Tham gia Tổ Biên tập Đề án “Xây dựng Bộ tiêu chí khung nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta” của Ban Kinh tế trung ương. VCCI chủ trì thực hiện 02 chuyên đề: (1) “Thực trạng và những vấn đề đặt ra về tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta qua hơn 30 năm đổi mới”; (2) “Đề xuất tiêu chí khung về tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nhóm giải pháp chính áp dụng tiêu chí khung này vào thực tiễn phát triển đất nước”.

- Tham gia Tổ công tác liên ngành thực hiện khảo sát về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới trong khuôn khổ Chương trình “Giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan” năm 2019.

- Tiếp tục các hoạt động theo Kế hoạch PCI 2019: chuẩn bị nội dung cho Bản tin PCI Quý 3/2019; hợp tác với Quỹ Châu Á (TAF) triển khai Nghiên cứu “Đánh giá tổng quan về khả năng chống chịu của doanh nghiệp” lồng ghép trong khảo sát PCI; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai đánh giá về thủ tục cấp phép xây dựng tại các địa phương lồng ghép trong khảo sát PCI…

- Tiếp tục triển khai Chương trình Hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh: Gặp gỡ các công ty tư vấn PwC, EY, Deloitte tham vấn hoàn thiện “Cẩm nang hướng dẫn DN áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ (KSNB) và Quy tắc ứng xử (CoC) trong kinh doanh”; gặp gỡ và làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh kêu gọi ủng hộ mục tiêu dự án và ký bản Cam kết “Kinh doanh liêm chính: Sự cam cam kết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt lên trên sự tuân thủ”; tiếp tục thực hiện công tác truyền thông thông qua các bài báo chuyên đề về phổ biến tầm quan trọng của KSNB và CoC; thực hiện đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp về KSNB và CoC…

- Phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động năm 2019 và giai đoạn 2019-2025 cho Ủy ban Hợp tác công tư (Ủy ban 17).

- Tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Nền kinh tế tuần hoàn:

+ Phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức Chương trình “Gặp gỡ và đối thoại về Kinh tế tuần hoàn: Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng triển khai tại Việt Nam”.

+ Tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp trong ngành giấy và nhựa; tiến hành khảo sát thực trạng doanh nghiệp sau ba năm áp dụng Bộ chỉ số CSI; tổ chức họp Ban Giám khảo xét duyệt các doanh nghiệp tham gia Bảng xếp hạng Doanh nghiệp bền vững 2019; chuẩn bị tổ chức Lễ công bố 100 Doanh nghiệp bền vững năm 2019; phối hợp với UNICEF triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh (CRBP); làm việc với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về Giải báo chí viết về phát triển bền vững; họp trực tuyến với Ban Điều hành CSR Asean Network…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Nhân dịp kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngoài việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, VCCI đã tổ chức một số hoạt động tiêu biểu:

+ Tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2019), 74 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương (13/10/1945 – 13/10/2019), tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự, có bài phát biểu động viên, chỉ đạo và định hướng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Tại buổi lễ, 100 doanh nhân được trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – Cúp Thánh Gióng năm 2019.

+ Tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề: “Việt Nam 2045 – Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình”. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 1000 doanh nhân trên toàn quốc. Diễn đàn tập trung trao đổi về các cơ hội, thách thức trong kỷ nguyên số và sự hội nhập giữa các thế hệ doanh nhân Việt Nam nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, bản sắc Việt Nam của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi doanh nhân Việt Nam, tập trung trí tuệ, tri thức hiến kế để đưa đất nước tiến nhanh tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.

+ Tổ chức tôn vinh “Doanh nhân, Doanh nghiệp vì cộng đồng ĐBSCL” và trao giải Cánh Sếu vàng cho 27 doanh nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL năm 2019.

- Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019 (VBS 2019) với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số”. Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng khoảng 600 đại biểu, trong đó có nhiều CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Hội nghị đã tập trung thảo luận về các nội dung: đổi mới khoa học công nghệ, các chính sách giúp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp tại Việt Nam; các xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới và khả năng thích ứng của Việt Nam; những thành công của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, start-up Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, định hướng thị trường lao động Việt Nam thời gian tới, nhu cầu sử dụng lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và các giải pháp của chính phủ nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động. Hội nghị đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ trực tiếp, kết nối và chia sẻ thông tin về các dự án hợp tác kinh doanh tiềm năng với 200 doanh nghiệp uy tín là đại biểu của Hội nghị Thượng đỉnh châu Á (ABS) và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản.

- Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á (ABS) lần thứ 10. Hội nghị diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao đến từ 12 tổ chức kinh tế chủ chốt của châu Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Việt Nam. Hội nghị ABS lần này đã thông qua Bản tuyên bố chung thể hiện cam kết và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp châu Á nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và thịnh vượng. Tuyên bố chung có tiêu đề: "Châu Á siêu kết nối vì sự phát triển bền vững", theo đó, thống nhất hai nội dung gồm: “Châu Á kỹ thuật số” đề cập tới chiến lược tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển và đổi mới, xây dựng xã hội thông minh về nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, đô thị hóa và môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững; “Châu Á toàn cầu” đề cập tới chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại tự do để thúc đẩy tính toàn diện về kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường hợp tác trong khu vực.

- Tổ chức Đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga nhân chuyến thăm chính thức và tham dự khóa họp lần thứ 22 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – LB Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng LB Nga Maxim Akimov đã tham dự và chủ trì sự kiện.

- Tổ chức và phối hợp tổ chức một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế: Hội nghị Xúc tiến thương mại Thái Lan – Việt Nam quốc tế mở rộng tại Udon Thani (Thái Lan); Gặp gỡ doanh nghiệp Việt – Nga; Tọa đàm Gặp gỡ doanh nghiệp Việt – Hàn; Diễn đàn Thương mại Việt Nam – UAE; tổ chức đoàn doanh nhân nữ tham dự Hội nghị Thương mại phụ nữ toàn cầu 2019 (Global Women Trade Summit) tại Busan, Hàn Quốc…

- Tổ chức và phối hợp tổ chức một số hội thảo chuyên đề: Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số và chia sẻ” tại Quảng Ninh; Tọa đàm “Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực tại nơi làm việc – Thuận lợi và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập” tại Đà Nẵng; Hội thảo về “Ngành tài chính – viễn thông trước cơ hội và thách thức từ EVFTA” tại Hà Nội; Hội thảo về ngành logistics trước cơ hội và thách thức từ EVFTA” tại TP.Hồ Chí Minh; Diễn đàn “Định vị doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu” tại Hà Nội; Hội thảo "Giải pháp phát huy các nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ khu vực miền Đông Nam bộ" tại Phan Thiết; Đối thoại với ngành Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Hội thảo “Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong thời kỳ 4.0” tại Vũng Tàu; Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và toàn diện tại ĐBSCL” tại Kiên Giang…

- Công tác đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, doanh nhân: Tổ chức 56 khóa tập huấn, đào tạo cho 2805 doanh nghiệp về các chủ đề: Cập nhật những kinh nghiệp về đấu thầu cơ bản và đấu thầu qua mạng nhằm nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp; kỹ năng giải quyết tranh chấp về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, hướng dẫn xử lý sai phạm về hợp đồng lao động nhằm nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp; đào tạo về BHXH trong doanh nghiệp và thanh tra BHXH; phòng tránh rủi ro trong quá trình lập báo cáo tài chính doanh nghiệp; tập huấn về trị giá tính thuế và những quy định mới về trị giá hải quan…

Nhìn chung, những chương trình, hoạt động, sự kiện nêu trên được cộng đồng doanh nghiệp và công luận đánh giá tích cực và có sức lan tỏa cao.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2019 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư(Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ Lao Động thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ Tài nguyên và môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ Giao thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ  Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Ngân hàng nhà nước (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ tư pháp (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 10/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam (Tải về)