Làm gì để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa công nghiệp?

Tỉ lệ nội địa hóa còn thấp

Trong báo cáo tại kỳ họp thứ 8 gửi Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương cho biết, tỉ lệ nội địa hóa của các ngành ô tô, điện tử, dệt may, da dày còn thấp. 

Cụ thể, ngành ô tô, tỉ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp chưa đạt mục tiêu Chiến lược phát triển ngành đề ra (30 - 40% đến 2020), đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Một số dòng xe đã đáp ứng mục tiêu đề ra như các dòng xe tải đến 7 tấn đạt tỉ lệ nội địa hóa trung bình đạt 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đạt tỉ lệ nội địa hóa đến 40%.

Doanh nghiệp CNHT cho ô tô còn thiếu và yếu. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp CNHT cho ô tô còn thiếu và yếu. Ảnh: Hoài Anh

Ngành điện tử: Tỉ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Ngành dệt may: Tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40 - 45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ngành vải may của Việt Nam hiện nay đạt sản lượng khoảng 2,3 tỉ m2/năm, mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường trong nước. 

Ngành da - giày: Nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%. Các doanh nghiệp trong nước chiếm gần 70% về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ chiếm 35% tổng sản lượng da thuộc sản xuất tại Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân theo Bộ Công Thương là do  các chính sách được ban hành chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với quy mô và vai trò của các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

Nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành công nghiệp ưu tiên và CNHT còn quá thấp; chưa hình thành các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan tỏa, dẫn dắt nền công nghiệp. 

Ngoài ra, chưa thực hiện tốt định hướng sản xuất các vật liệu cơ bản. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT như thép chế tạo, nhựa và chất dẻo, vải cho ngành dệt may và da - giày... chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu. 

Các Tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng sản phẩm CNHT trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch, ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

 Tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ

 
Phát triển CNHT là một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra. Ảnh: Thùy Dương 

Tại báo cáo, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và kinh tế vĩ mô ổn định để tạo ra tinh thần sản xuất trong xã hội, khuyến khích hướng nguồn vốn đầu tư xã hội vào khu vực sản xuất.

Cần có các giải pháp hỗ trợ thiết thực để một số doanh nghiệp có tiềm năng trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ngang tầm khu vực và thế giới để dẫn dắt nền công nghiệp (Thaco, Thành Công, Vinfast…)

Phát triển CNHT, trong đó xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp; Tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTAs đã ký kết; Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu để giúp tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu;...

Xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước, không đánh thuế đối với phần giá trị tạo ra trong nước; VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng điều chỉnh phương thức khấu trừ thuế VAT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất; điều chỉnh thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động xuất khẩu...