Đề xuất về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

 

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; d) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đ) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; e) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; g) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

 Các đơn vị sự nghiệp công lập quy định nêu trên thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập; thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

 3 hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập

 Dự thảo nêu rõ 3 hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: 1. Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; 2. Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; 3. Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

 Dự thảo cũng quy định về đối tượng và điều kiện mua cổ phần. Theo đó, nhà đầu tư trong nước được quyền mua cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi với số lượng không hạn chế, trừ trường hợp quy định. 

Nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối.

 Đối với nhà đầu tư chiến lược: Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu, quan trọng theo quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

 Các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi bao gồm: Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá…

 Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 Theo KL(báo Chính phủ)

http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/De-xuat-ve-chuyen-don-vi-su-nghiep-cong-lap-thanh-cong-ty-co-phan/379397.vgp