EVFTA: Cơ hội tăng tốc cho ngành logistics

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) là một hiệp định thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp định đã được ký kết ngày 30/6/2019 sau một quá trình đàm phán kéo dài hơn 3 năm để chính thức có hiệu lực từ năm 2020.

Hiện nay, chi phí cho logistics ở Việt Nam chiếm tới 21-25% GDP hàng năm, 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo… Với mức này, chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, Singapore 300%.

Cơ hội gia tăng quy mô thị trường

Khảo sát của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, với EVFTA, triển vọng phát triển ngành logistics được thể hiện ở 2 góc độ. Góc độ thứ nhất là từ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và phục vụ vận tải. Góc độ thứ hai là cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics.

Cụ thể, các cam kết trong lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics bao gồm: nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ và việc thực hiện dịch vụ. Ví dụ như cam kết loại bỏ thuế quan để gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường mua sắm công đối với các gói thầu cơ sở hạ tầng hoặc kiểm soát biên giới với sản phẩm sở hữu trí tuệ...

Trước hết, rào cản thuế quan được loại bỏ hoặc giảm đáng kể sẽ khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu gia tăng. Từ đó làm tăng nguồn cầu lớn đối với hoạt động logistics, là cơ hội gia tăng quy mô thị trường ngành logistics Việt Nam.

Thứ hai là cơ hội thu hút đầu tư từ châu Âu, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác EU.

Kế đến, khi Việt Nam thực hiện các cam kết về thể chế nhằm tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng, chi phí kinh doanh sẽ giảm. Đồng thời, EVFTA cũng khiến giá mua các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics nhập khẩu từ EU giảm do cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam.

Cuối cùng là cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU (đặc biệt là dịch vụ vận tải biển và dịch vụ hàng không quốc tế). Song song với cơ hội, EVFTA được cho là cũng đặt ra những thách thức đáng kể đối với doanh nghiệp hậu cần trong nước.

Lưu ý cho doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, hiện nay, chi phí cho logistics ở Việt Nam chiếm tới 21 - 25% GDP hàng năm, 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo…  Với mức này, chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, Singapore 300%.

Bất cập này sẽ cản trở sự phát triển ngành logistics Việt Nam là rất đáng kể. Tuy nhiên, đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam đã có những cam kết mở cửa khá ấn tượng, cao hơn mức hiện tại trong cam kết trong WTO mà Việt Nam cho các đối tác”, bà Trang cho hay.

Với năng lực cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp EU trong lĩnh vực logistic, khi hiệp định này có hiệu lực sẽ mở cửa cho rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics vào Việt Nam.

Theo bà Trang, điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa.

Để có thể tận dụng được các cơ hội từ EVFTA, bà Trang cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để đem đến hiệu quả cao hơn, từ đó, giúp doanh nghiệp thu được những giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ngoài ra, theo quan điểm của bà Trang, để có thể tận dụng được các cơ hội cũng như hạn chế tối thiểu các thách thức mà hiệp định EVFTA mang lại, doanh nghiệp cần phải cải thiện công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin, đặc biệt với mạng logistics toàn cầu, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn.

Song song với đó là cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lí và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư EU, cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau như hãng tàu, đại lí thương mại, bảo hiểm…

Theo Đỗ Huyền(Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)
https://enternews.vn/evfta-co-hoi-tang-toc-cho-nganh-logistics-160743.html