Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2019

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số:  2433/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2019

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2019

Kính gửi: CHÍNH PHỦ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng quý 3/2019, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong quý 3/2019

Trong quý 3/2019, VCCI thống kê có 333 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và  hiệp hội doanh nghiệp (tăng 35 kiến nghị so với quý 2/2019). Tình hình giải quyết kiến nghị tính đến 30/9/2019 cụ thể như sau:

 Phân loại theo bộ, ngành, địa phương cho thấy: Các bộ, ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý 3/2019 bao gồm: Bộ Tài chính: 91 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 88 kiến nghị; Bộ Xây dựng: 32 kiến nghị; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:28 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 17 kiến nghị; Bộ Công Thương: 16 kiến nghị; Bộ Y tế: 7 kiến nghị; Bộ Công an: 9 kiến nghị; Bộ Giao thông Vận tải: 5 kiến nghị. Riêng nhóm 9 bộ, ngành, địa phương trên nhận được 293 kiến nghị, chiếm 88% tổng số kiến nghị trong quý 3/2019. Trong đó, hai bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nhận được số kiến nghị nhiều nhất và cao hơn nhiều so với các bộ, ngành, địa phương khác. Một số bộ, ngành, địa phương cũng nhận được kiến nghị của doanh nghiệp như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, …

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính các kiến nghị như sau:

- Bộ Tài chính nhận được nhiều kiến nghị nhất của doanh nghiệp trong quý 3/2019 có nội dung liên quan đến thủ tục hành chính thuế, hải quan và chính sách thuế như: chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thuế đối với doanh nghiệp nhầm kỳ kê khai tháng, quý; nhập khẩu nguyên phụ liệu theo loại hình sản xuất xuất khẩu được ân hạn thuế; việc chậm trễ giải quyết khiếu nại về tiền lãi chậm nộp thuế; chính sách tiền lương và thuế thu nhập cá nhân; kê khai khấu trừ hóa đơn điện tử vào không chi tiêu ngay; hướng dẫn phát hành hóa đơn điện tử; đề nghị không tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng; hướng dẫn phân loại mã HS máy xay trộn thực phẩm và đồ uống nhập khẩu, mặt hàng vải lọc bụi, máy kéo nông nghiệp dùng làm động lực dàn xới, dàn cày, dàn bừa, dàn ủi …; chính sách miễn tiền thuê đất; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp - địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; căn cứ xác định mức thuế GTGT đối với hàng chuyển mục đích sử dụng; thời điểm bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử; phát hành hóa đơn điện tử có chữ ký số nhưng không có ngày phát sinh; nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai; lỗi hệ thống thuế của Tổng cục Thuế khi thành lập chi nhánh của doanh nghiệp;  nộp lệ phí môn bài và thuế GTGT cho chi nhánh không kinh doanh; khoản nộp liên quan đến công nợ Cuba trong hồ sơ bàn giao sang công ty cổ phần theo thanh tra quyết toàn thuế; hướng dẫn nộp thuế và kê khai hóa đơn khi hộ kinh doanh trả lại hàng hóa đã mua; thời hạn đưa thông tin về phát hành hóa đơn của doanh nghiệp trên trang thông tin tra cứu hóa đơn; …

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật trong các vấn đề như: tiếp tục được áp dụng các chính sách ưu đãi hiện hành cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa; hướng dẫn việc giải tỏa cam kết tín dụng trong chứng minh tài chính khi thực hiện gói thầu; thu hồi trụ sở công ty TNHH MTV nhà nước để bán đấu giá và thực hiện điều chỉnh giảm giá tài sản chủ sở hữu nhà nước; chuyển lỗ từ chi nhánh về công ty mẹ do chuyển đổi hình thức hạch toán độc lập sang phụ thuộc; ưu đãi đầu tư với dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp được bàn giao đất trước năm 2009; quy định về chuyển tiền của nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư vào Công ty; thủ tục nhận hàng viện trợ từ tổ chức phi chính phủ; thẩm tra quyết toán đối với hợp đồng theo hình thức trọn gói; hiệu lực hướng dẫn của người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT; đề nghị làm rõ cơ sở áp dụng một số điều khoản quy định tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ; phân loại chi phí đầu tư không hình thành tài sản; chứng nhận hợp quy giấy cuộn lớn nhập khẩu để sản xuất giấy vệ sinh, khăn giấy…

Một số kiến nghị nổi bật như:

+ Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic phản ánh cơ quan Hải quan phạt doanh nghiệp vận chuyển về vi phạm sở hữu trí tuệ của hàng hóa quá cảnh gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Các doanh nghiệp này kinh doanh dịch vụ logistics quốc tế, làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa quá cảnh trên tuyến Đông Nam Á (Hong Kong - Thẩm Quyến - Việt Nam - Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore), có đội xe container vận chuyển quá cảnh chuyên nghiệp, có giấy phép liên vận Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Hàng hóa quá cảnh của công ty Lào thuê dịch vụ vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam bị cơ quan Hải quan Việt Nam tiến hành kiểm tra, ngay khi container chứa hàng vừa được cẩu từ xe Trung Quốc sang xe vận tải của Công ty trong khu vực giám sát hải quan cửa khẩu Hữu Nghị. Quá trình kiểm tra, Cơ quan Hải quan thông báo phát hiện hàng hóa trong container của chủ hàng nước ngoài vi phạm về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty, vốn là công ty chỉ làm dịch vụ vận chuyển. Việc phạt doanh nghiệp vận chuyển về vi phạm sở hữu trí tuệ của hàng hóa quá cảnh là hoàn toàn không phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, đồng thời sẽ khiến các chủ hàng tìm con đường quá cảnh khác thay vì qua Việt Nam.

+ Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đại điện cho các doanh nghiệp thành viên đề nghị Chính phủ xem lại Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20/2017/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/ 22017 quy định về nguyên tắc khấu trừ chi phí hợp lý đối với giao dịch liên kết. Theo quan điểm của Hiệp hội, việc áp dụng quy định này đối với cả chi phí lãi vay từ bên độc lập khi mà tại Việt Nam vẫn có nhu cầu huy động vốn trong thực tế thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

+ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang phản ánh Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau thì khung giá tính thuế chênh lệch giá giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, theo so sánh giữa Công bố số 540/CBLS/XD-TC  với Thông tư số 44/2017/TT-BTC thì giá tại tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh khác cùng khu vực miền núi phía Bắc, so với mức giá tối thiểu tính thuế tài nguyên thấp hơn 155%, chênh lệch giảm so với mức giá tối thiểu của khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ tài chính ban hành là 155%. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính xem xét giải quyết vấn đề này và sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, khắc phục bất cập về chênh lệch giá tại Thông tư 44/2017/TT-BTC.

+ Công ty Biozym phản ánh, kể từ tháng 12/2018, đã gửi rất nhiều công văn đến Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 để xin được hướng dẫn và hỗ trợ về quá trình hoàn thuế cho lô hàng nguyên liệu thực phẩm, thuộc tờ khai hải quan điện tử số 102374678932/A11 với số tiền hoàn thuế là 410.840.117 VNĐ (bốn trăm mười triệu tám trăm bốn mươi nghìn một trăm mười bảy đồng). Tuy nhiên, cho đến nay công ty vẫn chưa rõ được là khi nào sẽ được hoàn thuế. Trong suốt khoảng thời gian này, công ty luôn phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn và việc chi trả cho đối tác nước ngoài, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của công ty.

+ Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phản ánh công ty thường xuyên xuất khẩu các sản phẩm chiếu sáng LED, ruột phích và phích nước ra thị trường nước ngoài. Công ty khẳng định luôn tuân thủ quy định về thuế và hàng hóa. Công ty mở tờ khai xuất khẩu ở Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công Hà Nội và hầu hết đều được phân luồng xanh, miễn kiểm và nhanh chóng thông quan, hiếm có phân luồng đỏ. Tuy nhiên, từ ngày 13/8/2019 cho đến nay, 100% tờ khai xuất khẩu của Công ty đều bị phân luồng đỏ. Sự việc này đã gây ra lãng phí thời gian, tăng chi phí, đã ảnh hưởng đến việc giảm mất cơ hội kinh doanh, giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của công ty.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ yếu nhận được kiến nghị của doanh nghiệp, đề nghị hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trong đó có đa số là đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu.  Nội dung cơ bản đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật gồm:

+  Hướng dẫn pháp luật về đấu thầu đối với các nội dung: các hành vi bị cấm trong đấu thầu theo điều 89 Luật Đấu thầu 2014; chứng minh khả năng huy động nhân sự, thiết bị khi tham gia dự thầu; hợp đồng tương tự trong hồ sơ dự thầu; nội dung thương thảo hợp đồng trong quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu; quy định thời hạn giấy phép trong hồ sơ mời thầu; hướng dẫn triển khai đấu thầu qua mạng theo Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; phạm vi ủy quyền tham dự thầu theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT; công ty mẹ (tập đoàn) sử dụng năng lực, kinh nghiệm của công ty con; căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT áp dụng Luật Đấu thầu năm 2013 và Quyết định 17/2019/QĐ-TTg trong việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng; hướng dẫn áp dụng Luật Đấu thầu trong hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư; bổ sung phát sinh, thay đổi mặt bằng thi công có cần đấu thầu lại; việc cộng dồn giá trị hợp đồng trong hồ sơ dự thầu; thẩm quyền ra quyết định thành lập tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu; tình huống đánh giá trong hồ sơ dự thầu; áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án công ty đề xuất đầu tư …

+ Hướng dẫn thực hiện pháp luật trong lĩnh vực đầu tư gồm các nội dung: hướng dẫn thay đổi quốc tịch nhà đầu tư; thủ tục góp vốn mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài; hướng dẫn xác định danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư; hướng dẫn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án cảng biển; không cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án; theo dõi tình hình xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư; hướng dẫn thủ tục thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư sang địa bàn tỉnh khác; hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án; điều kiện, thủ tục chuyển đổi trường phổ thông và trường cao đẳng 100% vốn Việt Nam thành trường 100% vốn đầu tư nước ngoài; điều kiện đầu tư đối với hoạt động hậu kỳ; thủ tục sau khi kết thúc thời gian hoạt động của dự án; tiêu chí xác định là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu đô thị; đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư hàng năm; thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, dự án truyền tải điện theo quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ …

+ Hướng dẫn thực hiện pháp luật trong một số nội dung khác như:  thủ tục trong việc thực hiện thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty; thay đổi tên Công ty, bổ sung ngành nghề  trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; việc áp dụng Thông tư số 34/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương; phản ánh khó khăn trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương; cơ quan đầu mối thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ được giao tổ chức hoạt động mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn nhận kết quả đăng ký kinh doanh qua đường bưu điện;  đăng ký sáp nhập doanh nghiệp; ủy quyền cho Chi nhánh ký hợp đồng và đóng dấu chi nhánh; bán tài sản dư thừa không kinh doanh tiếp của doanh nghiệp; thực hiện mục tiêu “Dịch vụ vệ sinh và tương tự” (CPC 9403); ghi nhận lại vốn góp, vốn điều lệ theo tỷ giá thực tế; góp vốn vào công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất;…

- Tất cả các kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật. Nội dung cơ bản của các kiến nghị gồm: hướng dẫn thực hiện lập dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị; hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; hướng dẫn áp dụng định mức kỹ thuật trong làm, thả rọ đá đối với công trình giao thông; sử dụng chi phí dự phòng để phục vụ phần khối lượng xây lắp phát sinh; hướng dẫn cơ sở pháp lý, trình tự điều chỉnh giá vật tư, nhân công, ca máy theo thời điểm; áp dụng định mức xây dựng cho công tác sản xuất lắp dựng ván khuôn và lắp dựng bê tông đúc sẵn, tấm âm dương; hướng dẫn thanh toán hợp đồng lắp đặt theo hình thức trọn gói; giải đáp cách tính chi phí chung trong dự toán công trình điện tập hợp chi phí khảo sát, đo đạc phục vụ công tác bồi thường GPMB dự án; hoạt động thí nghiệm thuộc Bộ Xây dựng; xác định chi phí quản lý dự án trong đầu tư xây dựng; ủy quyền/phân cấp trong nghiệm thu công trình xây dựng; chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; góp vốn bằng quyền sử dụng đất để kinh doanh bất động sản; hướng dẫn hồ sơ xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động lần đầu trong lĩnh vực xây dựng …

+ Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam có văn bản gửi các cơ quan chức năng góp ý sửa đổi Luật Xây dựng. Các nội dung góp ý bao gồm: Tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật; Sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng xây dựng; Bất cập về đóng bảo hiểm hợp động lao động ngắn hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng của nghành xây dựng; vướng mắc về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng; Công tác thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng; Vướng mắc về định mức  - đơn giá và thẩm định dự toán..

+ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng DT Việt Nam phản ánh: Để tránh gian lận trong đấu thầu các công ty thường tra cứu thông tin nhà thầu tham gia đấu thầu trên trang web (http://hdxd.xaydung.gov.vn/cqlhdxd/danh-sach-nha-thau.html) xem có chứng chỉ hoạt động xây dựng hay không. Tuy nhiên trong quá trình tra cứu, có một số nhà thầu hiện tên trên trang của Cục Quản lý hoạt động xây dựng, nhưng một số nhà thầu thì không thấy. Điều này cho thấy, dữ liệu của trang web thiếu được cập nhật và hỗ trợ doanh nghiệp nhiều trong công tác tra cứu.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được các kiến nghị từ các doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về những nội dung gồm: thời gian làm việc dành cho lao động nữ trong thời gian nuôi con nhỏ, xác định mức lương thanh toán chế độ thai sản và xác nhận cách tính số ngày nghỉ phép hằng năm (phép năm); vướng mắc khi tiến hành quy trình xử lý kỷ luật lao động; trả lương cho thời gian làm việc của ca 3 chồng lấn vào ngày nghỉ hàng tuần, lễ, Tết; chi trả trợ cấp mất việc làm do cơ cấu lại ngành hàng; xin xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động; thời hạn và số lần cho thuê lại lao động; làm rõ phạm vi hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ việc làm; việc áp dụng quy định tại điểm c khoản 8 Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức hội nghị người lao động lấy ý kiến về phương án sử dụng lao động trước khi phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp; chế độ đối với người lao động, khó khăn khi xác định chế độ đối với người lao động dôi dư trong phương án sử dụng lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp; miễn kiểm tra chất lượng nhà nước hàng hóa nhập khẩu nhóm 2; bồi thường cho người lao động bị tai nạn trên đường đi làm; sử dụng lao động và các thủ tục liên quan trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp; thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp; trách nhiệm của công ty đối với người lao động bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi làm, về mỗi ngày; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài …

+ Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (KOCHAM) chuyển tiếp các kiến nghị của các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị xem xét, sửa đổi nội dung Dự thảo Bộ luật Lao động gồm 5 nội dung: gia hạn giấy phép lao động(GPLĐ) đối với người lao động nước ngoài; giảm giờ làm tối đa hàng tuần (44 giờ); tăng thời gian làm thêm tối đa 400 giờ/năm; tính lương làm thêm giờ lũy tiến và cho phép thành lập thêm Tổ chức đại diện người lao động trong doanh nghiệp.

- Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ TNMT nhận được các nội dung kiến nghị gồm: bất cập trong tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hướng dẫn việc hộ gia đình thuê đất trả tiền một lần cho người nước ngoài thuê lại đất; phản án việc thực hiện thủ tục hành chính chưa được công bố, công khai; điều kiện nhận chuyển nhượng nhà trẻ, trường học trong khu đô thị; hướng dẫn việc xác định chất thải nguy hại và hướng dẫn việc thu hồi, tái sử dụng; công nhận đất thổ cư cho người sử dụng đất trước ngày 18/12/1980; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ văn phòng có chức năng lưu trú; hướng dẫn lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khai thác khoáng sản; hướng dẫn hộ gia đình thuê đất trả tiền một lần cho tổ chức nước ngoài thuê đất; quy định điều chỉnh chủ trương đầu tư khi thay đổi thời gian, tiến độ thực hiện dự án đầu tư công …

- Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn về các nội dung: hướng dẫn quy định về xuất xứ hàng hóa, tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng xe đạp và xe đạp điện; hướng dẫn việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh bán lẻ hàng hóa; thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ máy tính và các dịch vụ có liên quan; hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đối với hoạt động xúc tiến thương mại; hướng dẫn sửa đổi mục tiêu dự án của công ty trên giấy chứng nhận đầu tư; hướng dẫn đối tượng và thủ tục được áp dụng miễn tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP đối với dự án đầu tư trong Cụm Công nghiệp; thủ tục nhập khẩu rượu bán tiêu dùng tại chỗ; quy định về khoảng cách 2 cửa hàng xăng dầu thuộc đường tỉnh lộ …

+ Công ty TNHH dịch vụ xuất khẩu Thuận Phát phản ánh tổng chi phí để kiểm tra chuyên ngành 1 cái máy tính xách tay là: 50.545.000 đồng cho 7 thủ tục kiểm tra gồm: QCVN 118:2018/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 5.250.000đ; QCVN 54:2011/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 2.625.000đ; QCVN 65:2013/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 2.625.000đ; QCVN 112:2017/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 5.250.000đ; QCVN 101:2016/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 26.250.000đ; Chứng nhận hợp quy gồm  phí tiếp nhận và xem xét hồ sơ: 1.815.000đ và phí đánh giá và cấp chứng nhận hợp quy: 2.530.000đ; Tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng TCVN 11848:2017- đo kiểm tại QUATEST3 giá 4.200.000đ (thực hiện trước khi thông quan). Vì vậy, nếu 1 cái máy tính bán lãi 500.000 đồng thì phải nhập hơn 100 cái mới đủ phí để kiểm tra chuyên ngành. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ. Doanh nghiệp đề nghị cần có giải pháp giảm chi phí này.

+ Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thiết bị vệ sinh phản ánh từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm thiết bị vệ sinh, đặc biệt là sứ vệ sinh, sứ dân dụng được nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn và giá bán rất thấp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Qua điều tra sơ bộ, các doanh nghiệp đã phát hiện một số vấn đề gian lận thương mại, sản phẩm nhập khẩu không rõ ràng về nguồn gốc như: số lượng nhập khẩu lớn, giá bán thấp, vi phạm quy định về bao bì, nhãn mác, thiếu kiểm định chất lượng… Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng Trung Quốc kém chất lượng vào thị trường Việt Nam đã đe dọa đến sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp trong ngành, gây nguy cơ bất ổn xã hội từ việc người lao động mất việc và có thể dẫn tới biến mất một ngành kinh doanh.

- Lĩnh vực y tế nhận được một số kiến nghị với các nội dung: trang bị và sử dụng máy khử rung tim bên ngoài tự động; Đề nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; xin giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh đối với phòng khám đa khoa …

Đặc biệt, có Công ty TNHH Cekindo phản ánh Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế nhiều lần chậm trễ trong việc xử lý hồ sơ và trả kết quả đăng ký bản công bố. Nhiều lần doanh nghiệp liên hệ với lãnh đạo Cục thì chỉ nhận được trả lời là sẽ phản hồi sớm hoặc, nhưng không nêu rõ lý do chậm trễ và cũng không đưa ra ngày trả kết quả cụ thể. Việc Cục ATTP chậm trễ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, đây cũng không phải lần đầu tiên Cục ATTP chậm trễ, tất cả các sản phẩm Công ty TNHH Cekindo Business International đăng ký đều bị chậm trả kết quả so với quy định mà không có giải thích.

- Trong quý 3, Bộ Công an  nhận được nhiều kiến nghị hơn so với các quý trước đây. Nội dung các kiến nghị gồm: đề nghị giải quyết các vướng mắc trong thí điểm cấp thị thực điện tử và cấp thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài; thẻ tạm trú của người lao động nước ngoài trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp; chuyển đổi mục đích thẻ tạm trú; chuyển đổi thị thực cho người lao động nước ngoài; vướng mắc liên quan đến việc hiểu áp dụng Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về điều chỉnh chỉ điều tra.

Ngoài ra còn có đơn thư phản ánh, tố giác tội phạm như: đề nghị giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh của Công an quận Bắc Từ Liêm; đề nghị làm rõ tính minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu tại Trung tâm dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị, thị xã Kỳ Anh; tố cáo hoạt động kinh doanh của Công ty CP Thái Lan Paint có dấu hiệu lừa đảo.

- Bộ Giao thông Vận tải nhận được một số kiến nghị, trong đó nổi bật là phản ánh tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ. Cụ thể: tình trạng xe dù, bến cóc ngang nhiên hoạt động, coi thường pháp luật và các cơ quan chức năng trên tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 5A cũng các giải pháp khắc phục.

- Các doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp cũng gửi kiến nghị đến một số bộ, ngành khác như: Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… với các nội dung như: Hướng dẫn thủ tục đấu giá trực tuyến; xin thay đổi chữ đệm trong tên của công dân có cha là người nước ngoài; giải quyết việc giám định sáng chế bị sai về chuyên môn trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ; đề nghị hủy Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gây thiệt hại cho doanh nghiệp; vướng mắc về kiểm định chất lượng đối với thiết bị viễn thông; cho phép bán lẻ sim card nước ngoài; cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự trước khi nhập khẩu sim card điện thoại; thủ tục thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài; đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp; hướng dẫn sử dụng đất đai nông lâm nghiệp và cây trồng; kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu vận chuyển liên tỉnh; hướng dẫn quy định hoạt động thí nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn …

- Các kiến nghị doanh nghiệp gửi đến các địa phương chủ yếu đề nghị tháo gỡ khó khăn cụ thể doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Xin được tiếp tục đầu tư dự án khu dân cư, dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh tại Phường Hà Khánh, TP. Hạ Long; tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp làm đại lý phân phối hãng Toyota tại tỉnh Ninh Bình; vướng mắc trong triển khai dự án trồng rừng tại thôn Suối Rớ, xã Phước Chính, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; giải quyết việc xác định tiền thu đất bổ sung và hoàn thiện thủ tục cho thuê đất  cho Công ty CP đầu tư SCIC - Bảo Việt tại Hà Nội; …

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong quý 3/2019, VCCI nhận được 174 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 24 bộ, ngành, địa phương tăng 47,4% so với quý 2/2019 (quý 2/2019 nhận được 118  văn bản). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI.

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2019 đến hết 30/9/2019, còn 214 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Các bộ, ngành có nhiều kiến nghị chưa được trả lời gồm: Bộ Tài chính 41 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 30 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường 22 kiến nghị; Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội 24 kiến nghị; Bộ Công Thương 15 kiến nghị; Bộ Xây dựng 12 kiến nghị; Bộ Công an 8 kiến nghị; …. Đối với địa phương, có 15 tỉnh, TP trực thuộc trung ương chưa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Bình Phước, Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Phòng trong đó TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh còn nhiều kiến nghị chưa trả lời nhất.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp.

Qua theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, VCCI nhận thấy: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tuy nhận được lượng kiến nghị hàng tháng khá lớn (chiếm phần lớn kiến nghị) nhưng trả lời/ giải quyết kịp thời. Tuy số lượng tồn kiến nghị cao nhưng không có kiến nghị tồn từ đầu năm. Một số bộ, ngành cũng trả lời kiến nghị kịp thời như: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp,… . Trong quý 3/2019, Bộ Y tế là bộ khắc phục tốt việc chậm trả lời kiến nghị trước đây. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương, UBND TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là các bộ, ngành, địa phương chưa khắc phục được việc để tồn đọng kiến nghị lâu, chưa được giải quyết.

  1. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về việc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm ở mức tương đối cao. Với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8% thì tốc độ tăng tưởng của Việt Nam cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới, đạt và vượt cả 12 chỉ tiêu phát triển Quốc hội giao (4 chỉ tiêu vượt và 8 chỉ tiêu đạt). Môi trường kinh tế vĩ mô được đánh giá ổn định: Lạm phát tương đối ổn định, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra ( ước 2,7-3% so với mục tiêu dưới 4%); Điều hành tiền tệ đảm bảo thận trọng, hợp lý; Ứng phó khá hữu hiệu với những diễn biến khó lường từ môi trường kinh tế - quốc tế (Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Căng thẳng thương mại Nhật – Hàn…)

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, khu vực tư nhân ngày càng tăng thêm đóng góp vào nền kinh tế, cụ thể: Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh nhất, tạo động lực cho đầu tư toàn xã hội (càng có ý nghĩa trong bối cảnh giải ngân đầu tư công năm 2019 đặc biệt thấp); Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao với số vốn bình quân của doanh nghiệp mới thành lập cao hơn nhiều năm lại đây cho thấy quy mô doanh nghiệp mới thành lập ngày càng tăng, hứng khởi kinh doanh trong xã hội tiếp tục được duy trì; Khu vực tư nhân cũng cho thấy sức sống, sáng tạo, linh hoạt và thích nghi tốt khi thực hiện nhiều dự án hạ tầng lớn và khai thác tốt các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ… 

Trong quý 3/2019, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 12 bộ, cơ quan gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ VHTT&DL, Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, các bộ, cơ quan đều đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao. 100% các bộ, cơ quan đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Hiện đã đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng có ý nghĩa, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet). Về xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, các bộ, ngành đang triển khai nâng cấp hệ thống này, trong đó có một số bộ đã hoàn thành hoặc đang thử nghiệm. Cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng vào quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Đảng, Nhà nước, nhằm hiện đại hóa nền hành chính công với mục tiêu phục vụ nngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong quý 3/2019, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- Chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại quan trọng nhằm thảo luận, đề xuất và rà soát các chính sách, pháp luật với Đảng, nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển góp phần tích cực vào quá trình cải thiện chất lượng của hệ thống thể chế và kiến tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Một số hoạt động nổi bật như:

+ Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, VCCI đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các bộ ngành có liên quan tổ chức thành công Hội nghị quốc gia về Phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương, địa phương và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, đại sứ quán, tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí. Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan và VCCI căn cứ kết luận Hội nghị trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững, xây dựng và ban hành các chỉ tiêu kế hoạch hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo lộ trình.

+ Phối hợp tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế”. Cuộc vận động do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, cùng các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và VCCI phối hợp triển khai.

+ Đoàn công tác của Ban Đối ngoại Trung ương do đ/c Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Đảng Đoàn VCCI về tình hình thực hiện công tác đối ngoại của VCCI thời gian qua. Đ/c Vũ Tiến Lộc, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI đã có báo cáo về kết quả thực hiện hoạt động đối ngoại của VCCI giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Đoàn công tác đánh giá với chức năng, nhiệm vụ là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trên tinh thần thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, VCCI đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại trên nhiều hình thức. Đoàn công tác đề nghị, trong thời gian tới, VCCI tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc thúc đẩy trao đổi, cập nhật thông tin cho doanh nghiệp về các hiệp định thương mại mới, thỏa thuận hợp tác các cấp, kịp thời tiếp nhận thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp về các giải pháp trong quá trình hợp tác với các đối tác quốc tế, tăng cường đổi mới hình thức triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nước…

+ VCCI tích cực tham gia và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, bổ sung: Chủ tịch VCCI tham gia phiên họp ngày 14/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý kiến hoàn thiện dự thảo BLLĐ; tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo BLLĐ từ cộng đồng doanh nghiệp” tại các tỉnh/thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu…VCCI và 6 Hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) lần đầu tiên cùng thống nhất ký bản kiến nghị chung về 5 vấn đề trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, nếu được thông qua có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

+ Tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019-2023 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với VCCI và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm đảm bảo sự chia sẻ, phản biện, thống nhất trong việc đề xuất, ban hành các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động, người lao động, đoàn viên công đoàn, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động và công đoàn. Hội nghị có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng trường trực Chính phủ Trương Hoà Bình.

+ Chủ tịch Vũ Tiến Lộc tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, thống nhất với đánh giá kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2014 – 2019 và mục tiêu của Mặt trận nhiệm kỳ mới. Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX đã họp Hội nghị lần thứ nhất hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024 gồm 62 vị, trong đó Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tiếp tục được tín nhiệm cử tham gia Đoàn Chủ tịch với tư cách là đại diện tổ chức thành viên.

+ Thực hiện rà soát các chồng chéo, xung đột trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản và đấu thầu để đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý, khắc phục.

+ Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019 với chủ đề “Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công trong bối cảnh mới và Phát động chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII”. Diễn đàn được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp và cơ quan báo chí có thêm cơ hội trao đổi, bàn bạc, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc với nhau nhằm phát huy tốt hơn mối quan hệ hợp tác, phục vụ mục đích chung của đất nước và nhân dân.

+  Phối hợp với Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Đối thoại “EVFTA và IPA: Cơ hội cho các doanh nghiệp”. Tham dự toạ đàm có Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và đại diện các Bộ, ngành có liên quan, các Hiệp hội ngành nghề và hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và EU. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đều bày tỏ sự tin tưởng rằng EVFTA và IPA sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Buổi Tọa đàm cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm các thông tin về Hiệp định, xác định các cơ hội và thách thức đi kèm để có sự chuẩn bị chủ động và tích cực khi Hiệp định chính thức đi vào thực thi. Để hiện thực hóa các lợi ích mà EVFTA và IPA mang lại, điều cần thiết là người dân và cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ, trong đó Chính phủ đóng vai trò điều phối và hỗ trợ để tạo nên EVFTA xứng tầm kỳ vọng của nền kinh tế.

+ Phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phát động chương trình Én xanh 2019 với chủ đề “Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng”. Chương trình nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng, thực hiện tốt Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

+ Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và Công đoàn Hà Lan tổ chức Hội nghị Sơ kết thí điểm Dự án thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may Việt Nam. Hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác ba bên giữa VCCI, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức Công đoàn Hà Lan (CNV).

+ Lãnh đạo VCCI và các ban chuyên môn của VCCI tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, góp ý chính sách trong các lĩnh vực như: Làm việc với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng với một số Uỷ ban của Quốc hội về các nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Xây dựng; tham gia đoàn công tác Bộ Tư pháp kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; tham dự cuộc họp Chính phủ về xây dựng pháp luật; Họp rà soát, hoàn thiện Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp; tham dự Hội nghị quốc gia về Cải thiện Năng suất lao động và Phát động Phong trào Năng suất lao động quốc gia; tham gia đoàn công tác của Tổ công tác liên ngành thực hiện khảo sát về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tại các doanh nghiệp về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tại TP.Hồ Chí Minh; Thực hiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020……

- Đã hoàn thành góp ý hơn 20 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đáng chú ý có một số văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; Thông tư thay thế Thông tư 250/2016 hướng dẫn phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2012/TT-NHNN về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Thông tư 40/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam  và nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật khác. Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci.

- Tiếp tục triển khai dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Tiếp tục công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh, hỗ trợ các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại các địa phương như: tham dự các hội nghị, hội thảo và có các tham luận phân tích, đánh giá PCI của các địa phương.  

- Tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động Thực hiện Liêm chính trong kinh doanh và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững như: Xây dựng Báo cáo đánh giá về nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, đánh giá, đề xuất hoàn thiện pháp luật; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ (CoC); xây dựng Bản cam kết liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam…

- Phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động năm 2019 và giai đoạn 2019-2025 cho Ủy ban Hợp tác công tư (Ủy ban 17).

- Tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Nền kinh tế tuần hoàn: tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp trong ngành giấy và nhựa; chuẩn bị khảo sát thực trạng doanh nghiệp sau ba năm áp dụng Bộ chỉ số CSI; cập nhật, điều chỉnh Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) năm 2019; phối hợp với UNICEF triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh (CRBP), lồng ghép việc thực hiện quyền trẻ em trong Bộ chỉ số CSI 2019; tổ chức họp báo về giải thưởng“Tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng - Én Xanh 2019”.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Lãnh đạo VCCI tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư và thúc đẩy hội nhập quốc tế ở cấp quốc gia; Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư trong và ngoài nước, đào tạo doanh nghiệp trong đó có nhiều hoạt động nổi bật như:

+ Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã có buổi thăm và làm việc chính thức với VCCI và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Armenia năm 2018 đạt 3,6 triệu USD. Theo đánh giá, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước còn rất khiêm tốn. Tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Armenia sẽ mở ra mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Với vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại quốc gia, VCCI cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Đại sứ quán Armenia xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình hợp tác, diễn đàn doanh nghiệp để cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp Armenia tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng khẳng định, để thúc đẩy đầu tư, chính phủ Armenia cũng đã có những cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài và không có bất cứ rào cản nào. Đây sẽ là lợi thế để hàng hóa của hai bên có thể tiếp cận thị trường của nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành dệt may, xuất khẩu nông sản đã có một vài đề xuất với Thủ tướng Armenia về việc đẩy mạnh chương trình hợp tác kết nối cũng như cung cấp nhiều thông tin thị trường để doanh nghiệp hai bên hiểu rõ hơn về nhau, tiến tới có nhiều dự án hợp tác hơn trong tương lai.

+ Phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Đài Loan tổ chức “Diễn đàn hợp tác công nghiệp Việt Nam- Đài Loan” tại TP. Hồ Chí Minh. Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận, số vốn đầu tư của các DN Đài Loan đầu tư vào Việt Nam liên tục tăng trưởng trong các năm qua, điều đó khẳng định Việt Nam có môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn và ngày càng thu hút DN Đài Loan. Tính đến tháng 5/2019, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Đài Loan đạt 7,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Diễn đàn năm nay có 3 phiên thảo luận kỹ thuật và ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) giữa doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan về các lĩnh vực dệt may, công nghiệp nhẹ và tự động hóa, ứng dụng công nghệ trong thành phố thông minh. Đây là các lĩnh vực có cơ hội phát triển tại Việt Nam và được Chính phủ quan tâm và khuyến khích đầu tư. Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI nhận định, với làn sóng đầu tư FDI thế hệ mới, Việt Nam mong muốn doanh nghiệp Đài Loan đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt.

+ Phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức Tọa đàm giao lưu doanh nghiệp Việt Nam – Singapore và ký Thỏa thuận hợp tác thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore. Tại sự kiện, VCCI và SBF đã ký Thỏa thuận hợp tác thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore, gồm các doanh nghiệp có uy tín và mong muốn đóng góp vào sự phát triển nhiều mặt giữa Việt Nam và Singapore. Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore là kênh thông tin chính thức để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến với Chính phủ hai nước nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Hội đồng sẽ tạo cơ hội tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp Singapore.

+  Tổ chức Hội thảo về EVFTA như: Hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua" tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục đích cung cấp những thông tin hữu ích tới các doanh nghiệp, nhà sản xuất về cơ hội thách thức từ EVFTA và triển vọng thu hút đầu tư từ khu vực EU; Hội thảo “EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam” tại Hà Nội.

+ Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước tổ chức Diễn đàn “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Tham dự diễn đàn có đại diện UBND các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Văn phòng Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… và đại diện gần 400 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố.

+ VCCI đồng thời chủ động phối hợp với các đối tác tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại khác như: Toạ đàm về Phát triển quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Đông – Châu Phi tại Việt Nam; Hội thảo “J Good Tech & Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản”; Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại giữa một số hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc, tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân nữ quốc tế tại Nepal; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Latvia tại Hà Nội; Diễn Đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Campuchia; phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) tổ chức Hội thảo “Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng – Thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và định hướng chính sách” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo “Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội; Gala kết nối kinh doanh Việt – Úc; Hội thảo xúc tiến thương mại thị trường Nam Phi, Hongkong; Diễn đàn thương mại Việt Nam - Ấn Độ; Giao lưu thương mại Việt Nam - Ba Lan; Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Kết nối giao thương Việt - Nga và giới thiệu sản phẩm Nga; Tọa đàm gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác Thương mại và Đầu tư với Doanh nghiệp Trung Quốc ...

- Tổ chức 172  khóa đào tạo, tập huấn cho 7.072 doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, kỹ năng vận động chính sách, nâng cao kỹ năng quản lý hiệp hội, kỹ năng quản lý và lãnh đạo dành cho cán bộ quản lý cấp trung, kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số trực tuyến, kỹ năng giao tiếp và đàm phán trong kinh doanh, đào tạo chuyên gia về kỹ năng đối phó với hàng rào phi thuế quan…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong quý 3/2019 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Giao Thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Tư pháp (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Ban Cơ yếu Chính phủ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Ngoại giao (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Ngân Hàng nhà nước Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Y tế (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong quý 3/2019 của UBND Tỉnh Quảng Nam (Tải về)