Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2019

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2099/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2019

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2019

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng 8 năm 2019, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 8/2019

Trong tháng 8/2019, VCCI thống kê có 105 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp  gửi đến 18 bộ, ngành, địa phương. Trong đó, riêng 2 Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư nhận được 55 kiến nghị, chiếm 52,4% tổng số kiến nghị trong tháng 8. Tính đến hết 31/8/2019, đã có 21 kiến nghị được trả lời, còn 84 kiến nghị chưa trả lời, trong đó, số kiến nghị quá thời hạn trả lời là 22 chiếm khoảng 20,9%, còn lại 62 kiến nghị vẫn trong thời hạn trả lời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị trả lời kiến nghị tích cực nhất trong tháng.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo. Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính nhận được 28 kiến nghị của doanh  nghiệp, là đơn vị nhận được kiến nghị nhiều nhất trong tháng (đã trả lời 5 kiến nghị, còn lại 23 kiến nghị, trong đó còn hạn 17 kiến nghị, quá hạn 6 kiến nghị). Trong đó có đến 22 kiến nghị có nội dung liên quan đến thủ tục hành chính thuế, hải quan và chính sách thuế như: chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thuế đối với doanh nghiệp nhầm kỳ kê khai tháng, quý; nhập khẩu nguyên phụ liệu theo loại hình sản xuất xuất khẩu được ân hạn thuế; việc chậm trễ giải quyết khiếu nại về tiền lãi chậm nộp thuế; chính sách tiền lương và thuế thu nhập cá nhân; kê khai khấu trừ hóa đơn điện tử vào không chi tiêu ngay; hướng dẫn phát hành hóa đơn điện tử; đề nghị không tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng; hướng dẫn phân loại mã HS hàng hóa; xác định mã HS máy xay trộn thực phẩm và đồ uống nhập khẩu; vướng mắc trong việc xác định danh mục hàng hóa “máy kéo nông nghiệp dùng làm động lực dàn xới, dàn cày, dàn bừa, dàn ủi …

 Một số doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật trong các vấn đề như: tiếp tục được áp dụng các chính sách ưu đãi hiện hành cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa; hướng dẫn trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi; hướng dẫn việc giải tỏa cam kết tín dụng trong chứng minh tài chính khi thực hiện gói thầu; thu hồi trụ sở công ty TNHH MTV nhà nước để bán đấu giá và thực hiện điều chỉnh giảm giá tài sản chủ sở hữu nhà nước;…

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đại điện cho các doanh nghiệp thành viên đề nghị Chính phủ xem lại Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20/2017/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/ 22017 quy định về nguyên tắc khấu trừ chi phí hợp lý đối với giao dịch liên kết. Theo quan điểm của Hiệp hội, việc áp dụng quy định này đối với cả chi phí lãi vay từ bên độc lập khi mà tại Việt Nam vẫn có nhu cầu huy động vốn trong thực tế thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 27 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 10 kiến nghị, còn lại 17 kiến nghị, trong đó còn hạn 13 kiến nghị, quá hạn 4 kiến nghị). Nội dung cơ bản đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật gồm:

+  Hướng dẫn pháp luật về đấu thầu đối với các nội dung: xử lý tình huống trong lựa chọn nhà thầu xây dựng; chứng minh khả năng huy động nhân sự, thiết bị khi tham gia dự thầu; hợp đồng tương tự trong hồ sơ dự thầu; nội dung thương thảo hợp đồng trong quá trình chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu; quy định thời hạn giấy phép trong hồ sơ mời thầu; hướng dẫn triển khai đấu thầu qua mạng theo Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; phạm vi ủy quyền tham dự thầu theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT; công ty mẹ (tập đoàn) sử dụng năng lực, kinh nghiệm của công ty con; căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước khi có quyết định phê duyệt dự án theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT…

+ Hướng dẫn thực hiện pháp luật trong lĩnh vực đầu tư gồm các nội dung: hướng dẫn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án cảng biển; không cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án; theo dõi tình hình xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư; hướng dẫn thủ tục thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư sang địa bàn tỉnh khác; …

+ Hướng dẫn thực hiện pháp luật trong một số nội dung khác như:  đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh; việc áp dụng Thông tư số 34/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương; phản ánh khó khăn trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương; cơ quan đầu mối thuộc Bộ và cơ quan ngang Bộ được giao tổ chức hoạt động mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn nhận kết quả đăng ký kinh doanh qua đường bưu điện …

- Bộ Xây dựng nhận được 15 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 3 kiến nghị, còn lại 12 kiến nghị, trong đó còn hạn 9 kiến nghị, quá hạn 3 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về: hướng dẫn thực hiện lập dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị; hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; hướng dẫn áp dụng định mức kỹ thuật trong làm, thả rọ đá đối với công trình giao thông; chứng chỉ giám sát lắp đặt thiết bị và gói thầu tự thực hiện; hướng dẫn cơ sở pháp lý, trình tự điều chỉnh giá vật tư, nhân công, ca máy theo thời điểm và thủ tục tiếp nhận, giải quyết kiến nghị; áp dụng định mức xây dựng cho công tác sản xuất lắp dựng ván khuôn và lắp dựng bê tông đúc sẵn, tấm âm dương; hướng dẫn thanh toán hợp đồng lắp đặt theo hình thức trọn gói; giải đáp cách tính chi phí chung trong dự toán công trình điện....

- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 8 kiến nghị của doanh nghiệp (trả lời 2 kiến nghị, còn lại 6 kiến nghị, trong đó còn hạn 4 kiến nghị, quá hạn 2 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị bao gồm: bất cập trong tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hướng dẫn việc hộ gia đình thuê đất trả tiền một lần cho người nước ngoài thuê lại đất; phản án việc thực hiện thủ tục hành chính chưa được công bố, công khai; điều kiện nhận chuyển nhượng nhà trẻ, trường học trong khu đô thị; hướng dẫn việc xác định chất thải nguy hại và hướng dẫn việc thu hồi, tái sử dụng; công nhận đất thổ cư cho người sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 ...

- Bộ Công Thương nhận được 8 kiến nghị của doanh nghiệp (chưa trả lời kiến nghị nào, trong 8 kiến nghị có 4 kiến nghị quá hạn, 4 kiến nghị còn hạn). Nội dung các kiến nghị: hướng dẫn quy định về xuất xứ hàng hóa, tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng xe đạp và xe đạp điện; hướng dẫn việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh bán lẻ hàng hóa; thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ máy tính và các dịch vụ có liên quan; hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đối với hoạt động xúc tiến thương mại; hướng dẫn sửa đổi mục tiêu dự án của công ty trên giấy chứng nhận đầu tư …

Đáng lưu ý có kiến nghị của Công ty TNHH dịch vụ xuất khẩu Thuận Phát phản ánh tổng chi phí để kiểm tra chuyên ngành 1 cái máy tính xách tay là: 50.545.000 đồng cho 7 thủ tục kiểm tra gồm: QCVN 118:2018/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 5.250.000đ; QCVN 54:2011/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 2.625.000đ; QCVN 65:2013/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 2.625.000đ; QCVN 112:2017/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 5.250.000đ; QCVN 101:2016/BTTTT- đo kiểm tại QUATEST3 giá 26.250.000đ; Chứng nhận hợp quy gồm  phí tiếp nhận và xem xét hồ sơ: 1.815.000đ và phí đánh giá và cấp chứng nhận hợp quy: 2.530.000đ; Tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng TCVN 11848:2017- đo kiểm tại QUATEST3 giá 4.200.000đ (thực hiện trước khi thông quan). Vì vậy, nếu 1 cái máy tính bán lãi 500.000 đồng thì phải nhập hơn 100 cái mới đủ phí để kiểm tra chuyên ngành. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ. Doanh nghiệp đề nghị cần có giải pháp giảm chi phí này.

- Bộ Giao thông Vận tải nhận được 2 kiến nghị đều phản ánh tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ. Cụ thể: tình trạng xe dù, bến cóc ngang nhiên hoạt động, coi thường pháp luật và các cơ quan chức năng trên tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 5A cũng các giải pháp khắc phục.

- Doanh nghiệp cũng kiến nghị một số nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Công an; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, một số nội dung nổi bật như: ký hợp đồng với người lao động đang hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước; ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người nước ngoài; thủ tục đấu giá trực tuyến; vướng mắc liên quan đến việc hiểu áp dụng Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về điều chỉnh chỉ điều tra; giám định sáng chế bị sai về chuyên môn trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ; kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu vận chuyển liên tỉnh; xem xét giải quyết công nợ giữa Công ty Đại Thanh và PVCombank; tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp làm đại lý phân phối hãng Toyota tại tỉnh Ninh Bình; giải quyết việc xác định tiền thu đất bổ sung và hoàn thiện thủ tục cho thuê đất tại TP Hà Nội; …

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong tháng 8/2019, VCCI nhận được 59 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 10 bộ, ngành, địa phương (tăng 2 văn bản so với tháng 7/2019). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Mặc dù nhận được số kiến nghị khá lớn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính trả lời kiến nghị doanh nghiệp kịp thời, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ trả lời khá nhanh và số lượng kiến nghị quá hạn trả lời ít so với tổng số kiến nghị đã nhận được. Một số bộ, ngành trả lời kiến nghị chậm như: Bộ Y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh,…

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2019 đến hết 31/8/2019, còn 192 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Lượng kiến nghị tồn đọng chưa trả lời của tháng 8/2019 khá lớn (84 kiến nghị, chiếm gần một nửa số kiến nghị chưa trả lời) do các doanh nghiệp gửi kiến nghị nhiều vào cuối tháng, các bộ, ngành chưa kịp trả lời. Một số kiến nghị tồn đọng từ đầu năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng từ đầu năm.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 8/2019, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- VCCI tích cực tham gia và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, bổ sung: Chủ tịch VCCI tham gia phiên họp ngày 14/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý kiến hoàn thiện dự thảo BLLĐ; tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo BLLĐ từ cộng đồng doanh nghiệp” tại các tỉnh/thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu…VCCI và 6 Hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) lần đầu tiên cùng thống nhất ký bản kiến nghị chung về 5 vấn đề trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, nếu được thông qua có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

- Lãnh đạo VCCI và các đơn vị chuyên môn tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, góp ý chính sách như: tham dự cuộc họp Chính phủ về xây dựng pháp luật; Họp rà soát, hoàn thiện Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp; tham dự Hội nghị quốc gia về Cải thiện Năng suất lao động và Phát động Phong trào Năng suất lao động quốc gia; tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp tại Lâm Đồng và Khánh Hòa; tham gia đoàn công tác của Tổ công tác liên ngành thực hiện khảo sát về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tại các doanh nghiệp về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tại TP.Hồ Chí Minh; Thực hiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020…

- VCCI phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức Diễn đàn “Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử”. Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ, việc chuyển đổi hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được thực hiện theo lộ trình 24 tháng, hoàn thành trước 01/11/2020. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này.

- Thực hiện rà soát các chồng chéo, xung đột trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản và đấu thầu để đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý, khắc phục.

- Hoàn thiện và tiếp tục triển khai một số nghiên cứu chuyên đề như Nghiên cứu “Chi phí tuân thủ của doanh nghiệp ở Việt Nam và so sánh với các quốc gia trong ASEAN”; Nghiên cứu “Khó khăn, vướng mắc khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp ở Việt Nam với nguyên nhân do phát sinh chi phí trong quá trình chuyển đổi và hoạt động”; Báo cáo “Thu thập ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về chất lượng hành chính công và chi phí trong sản xuất kinh doanh”; Khảo sát “Nghiên cứu chi phí kinh doanh đối với doanh nghiệp Việt Nam, so với các nước trong khu vực và trên thế giới”; Khảo sát “Động thái doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019”.

- VCCI đã đóng góp ý kiến đối với một số dự thảo văn bản pháp luật như: Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt; Nghị định sửa đỏi, bổ sung Nghị định 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; Nghị định quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật chăn nuôi; Nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; Nghị định sửa đối bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Thông tư về Phòng vệ thương mại thực thi CPTPP; Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; Báo cáo nhiệm vụ “Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistic” tại Quyết định số 200/QĐ-Ttg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ… Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci.

- Tiếp tục các hoạt động hậu công bố Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 và triển khai Kế hoạch PCI 2019: Hoàn thiện Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch Đánh giá và Theo dõi (M&E) của Dự án PCI trong giai đoạn mới (2019-2022); Tiến hành khảo sát DDCI Kontum, Đắk Nông, Quảng Nam, Quảng Bình, Gia Lai; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai đánh giá về thủ tục cấp phép xây dựng tại các địa phương lồng ghép trong khảo sát PCI; tiếp tục hợp tác với Quỹ Châu Á (TAF) triển khai Nghiên cứu “Đánh giá tổng quan về khả năng chống chịu của doanh nghiệp” lồng ghép trong khảo sát PCI…

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động Thúc đẩy thực hiện Liêm chính trong kinh doanh: Xây dựng Báo cáo đánh giá về nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, đánh giá, đề xuất hoàn thiện pháp luật; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ (CoC); xây dựng Bản cam kết liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

- Phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động năm 2019 và giai đoạn 2019-2025 cho Ủy ban Hợp tác công tư (Ủy ban 17).

- Tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Nền kinh tế tuần hoàn: tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp trong ngành giấy và nhựa; chuẩn bị khảo sát thực trạng doanh nghiệp sau ba năm áp dụng Bộ chỉ số CSI; cập nhật, điều chỉnh Bộ chỉ số DN phát triển bền vững (CSI) năm 2019; phối hợp với UNICEF triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh (CRBP), lồng ghép việc thực hiện quyền trẻ em trong Bộ chỉ số CSI 2019; tổ chức họp báo về giải thưởng“Tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng - Én Xanh 2019”…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức Hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua" tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục đích cung cấp những thông tin hữu ích tới các doanh nghiệp, nhà sản xuất về cơ hội thách thức từ EVFTA và triển vọng thu hút đầu tư từ khu vực EU. Với EVFTA, cơ hội mở ra để đẩy mạnh xuất nhập khẩu đi đôi với nhiều khó khăn, thách thức từ thuế quan, các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa… Để tận dụng cơ hội cho nền kinh tế bứt phá trên nền tảng thực hiện EVFTA, không chỉ cần sự nỗ lực từ Chính phủ mà còn từ bản thân doanh nghiệp. Về phía Chính phủ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nội luật hóa được các quy định của EVFTA là yêu cầu cấp thiết. Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có tầm nhìn toàn diện hơn, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới. Trong bối cảnh ấy, VCCI sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, có thể khai thác và tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do.

- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và Công đoàn Hà Lan tổ chức Hội nghị Sơ kết thí điểm Dự án thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành dệt may Việt Nam. Hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác ba bên giữa VCCI, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức Công đoàn Hà Lan (CNV). Dự án nhằm thúc đẩy đối thoại giữa người lao động - ban giám đốc doanh nghiệp và thương lượng tập thể hiệu quả tại các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam, tập trung thực hiện đào tạo và hướng dẫn đại diện của người sử dụng lao động và người lao động đối thoại với nhau, hướng đến xây dựng thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Dự án đã và đang góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, giảm tranh chấp lao động, thông qua việc thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc thực chất ở ngành Dệt may và nhóm  doanh nghiệp Dệt may. Địa bàn thí điểm gồm Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

- Phối hợp với Hội đồng phát triển thương mại đối ngoại Đài Loan (TAITRA) tổ chức Triển lãm thương mại sản phẩm Đài Loan tại Hà Nội. Hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan, có sự tham dự của đoàn đại biểu gồm 152 doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác trong các lĩnh vực: công nghệ xanh và thân thiện môi trường, thiết bị công nghệ thông tin ICT, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng lạnh, máy móc chế biến thực phẩm và vật liệu đóng gói, đồ uống, thực phẩm, mỹ phẩm, sức khỏe y tế và thể thao, đồ gia dụng, công nghệ trồng hoa lan, giao thông thông minh … Nhân dịp này, VCCI và TAITRA đã ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan.

- Tổ chức và phối hợp tổ chức một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế: Gala kết nối kinh doanh Việt – Úc; Hội thảo xúc tiến thương mại thị trường Nam Phi, Hongkong; Diễn đàn thương mại Việt Nam - Ấn Độ; Giao lưu thương mại Việt Nam - Ba Lan; Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Kết nối giao thương Việt - Nga và giới thiệu sản phẩm Nga; Tọa đàm gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác Thương mại và Đầu tư với Doanh nghiệp Trung Quốc…

- Tổ chức 58 khóa tập huấn, đào tạo cho 2829 doanh nghiệp về các chủ đề: lập kế hoạch và đánh giá hiệu suất, kỹ năng soạn thảo hợp đồng và giải quyết tranh chấp, quản trị tài chính nhằm nâng cao năng lực quản trị và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho doanh nghiệp; tập huấn cho đại diện người sử dụng lao động và người lao động về các chỉ tiêu thông kê lao động và việc làm trong Bộ chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam; hướng dẫn tuân thủ các quy định trong giao dịch liên kết, phòng ngừa rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế liên quan đến giao dịch liên kết…

- Tiếp và làm việc với các đoàn khách quốc tế: Đoàn đại biểu Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Trung quốc (CNCPEC), Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ Ngoại giao Botswana, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, Đại sứ quán Indonesia, Chủ tịch Phòng Thương mại Ba Lan, Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam, đoàn doanh nghiệp Campuchia…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2019 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư(Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ Giao thông Vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ Tài nguyên và môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ tư pháp (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bộ Y tế (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của Bảo hiễm xã hội Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của UBND Tỉnh Bắc Giang (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 8/2019 của UBND Tỉnh Bắc Ninh (Tải về)