Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2019

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số:  1336/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2019

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2019

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

       Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng 5 năm 2019, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 5/2019

Trong tháng 5/2019, VCCI thống kê có 123  kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp  gửi đến 25 bộ, ngành, địa phương (tăng 33 kiến nghị so với tháng 4/2019). Tính đến hết 31/5/2019, đã có 36 kiến nghị được trả lời, còn 87 kiến nghị chưa trả lời, trong đó, số kiến nghị quá thời hạn trả lời là 17 chiếm khoảng 19,5%, còn lại 70 kiến nghị vẫn trong thời hạn trả lời.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo. Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 31 kiến nghị của doanh nghiệp, là đơn vị nhận được kiến nghị nhiều nhất trong tháng ( đã trả lời 13 kiến nghị, còn lại 18 kiến nghị, trong đó còn hạn 14 kiến nghị, quá hạn 4 kiến nghị). Nội dung cơ bản đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trong đó có 17/30 đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu đối với các nội dung: các biện pháp ngăn chặn tình trạng ngăn cản  việc tiếp cận hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu không đấu thầu qua mạng; áp dụng loại hợp đồng xây dựng đối với gói thầu tư vấn; vướng mắc khi áp dụng Luật Đấu thầu trong thực hiện dự án đầu tư; hướng dẫn thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy trình ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT; tính hợp lệ của kết quả báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu; xác định nguồn vốn nhà nước và phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu …

Một số doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện các nội dung khác gồm: đăng ký bổ sung ngành nghề có mã CPC doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hướng dẫn địa điểm thực hiện dự án của nhà đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam; hướng dẫn thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hướng dẫn thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư của Công ty Honda Việt Nam; vướng mắc khi triển khai dự án đầu tư nhà máy thép không gỉ cán nguội của Công ty Yong Jin Metal tại Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang; tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc điều chỉnh quy mô dự án Công ty TNHH LG CHEM HẢI PHÒNG ENGINEERING PLASTICS; vướng mắc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ thị trấn Kbang, huyện KBang, tỉnh Gia Lai…

- Bộ Tài chính nhận được 30 kiến nghị của doanh  nghiệp (đã trả lời 10 kiến nghị, còn lại 20 kiến nghị, trong đó còn hạn 13 kiến nghị, quá hạn 7 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị có đến 16 doanh nghiệp kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính thuế và chính sách thuế như: hoàn thuế GTGT theo Thông tư 130/2016/TT-BTC; xử lý thuế GTGT sau khi chấm dứt dự án đầu tư; thuế suất với ngành nghề gia công may mặc; thuế GTGT đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; thuế và chính sách thuế giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp có dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố; thuế GTGT vãng lai;  thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ …

 Một số doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật trong các vấn đề như: chế độ thực hiện quyền tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí hoạt động; phân loại hàng hóa mặt hàng “máy xới đất”; mở tờ khai Hải quan luồng đỏ liên tục; hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh; thời gian kết quả phân tích phân loại hàng hóa xuất khẩu; cập nhật thông tin người đại diện pháp luật trên website của Tổng cục Thuế;  mở tờ khai theo loại hình E62 đối với hàng giao theo chỉ định của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; …

Một số kiến nghị nổi bật, số lượng doanh nghiệp kiến nghị nhiều như:

+ Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phản ánh tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã trả lời rằng các Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước thời điểm 01/01/2015 không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định tại Luật số 71. Nhận thấy đây là vấn đề lớn liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư và nhiều doanh nghiệp nên VCCI đã tập hợp ý kiến từ các doanh nghiệp và có công văn trao đổi với Bộ Tài chính đề nghị tổ chức đối thoại với nhóm doanh nghiệp này.

+ Công ty TNHH MTV Huỳnh Trần phản ánh bị Chi cục Hải quan CK CSG KV4 (ICD1) kiểm tra sau thông quan từ 15/3/2019 đến 29/4/2019 nhưng đến ngày 13/5/2019 lại nhận tiếp 1 thông báo nữa số 659/STQ-ĐSTQ (25/04/2019) về việc kiểm tra sau thông quan từ 04/2014 đến 2019. Việc bị kiểm tra sau thông quan liên tục khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trái với chỉ đạo của Thủ tướng về việc mỗi năm chỉ thanh, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần.

- Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận được 10 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 1 kiến nghị, còn lại 9 kiến nghị, trong đó còn hạn 8 kiến nghị, quá hạn 1 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị bao gồm: cách xác định diện tích căn hộ tái định cư để ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi trong việc xử lý môi trường; thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trúng đấu giá cho Công ty; thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất; hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ cấp đổi chủ quyền trụ sở công ty; hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khi giải thể doanh nghiệp; chính sách cho thuê đất sản xuất đối với doanh nghiệp nhỏ; giải quyết vướng mắc kết quả đấu giá dự án Khu dân cư thương mại Thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Qua theo dõi, VCCI nhận thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết/ trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp còn chậm, tháng 4/2019, Bộ nhận 6 kiến nghị, đến nay thời gian trả lời đã hết nhưng Bộ vẫn chưa trả lời kiến nghị nào.

- Bộ Xây dựng nhận được 9 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 2 kiến nghị, còn lại 7 kiến nghị, trong đó còn hạn 5 kiến nghị, quá hạn 2 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về: thực hiện quyết toán đối với dự án thuộc đối tượng bị thanh tra; việc điều chỉnh dự toán công trình; thủ tục xuất khẩu đá hộc vật liệu xây dựng thông thường; chuyển nhượng dự án; cơ chế đối với loại hình nhà chung cư officetel (văn phòng có chức năng lưu trú).

+ Hiệp hội tấm lợp Việt Nam có văn bản gửi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều bộ ngành kiến nghị về Đề án “ lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sử dụng tấm lợp amiăng trắng từ năm 2023”. Quan điểm của Hiệp hội là phản đổi việc triển khai Đề án này. Đây là vấn đề Hiệp hội và các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều năm qua. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành chức năng đã có văn bản giải thích nhiều lần tuy nhiên chưa thuyết phục được Hiệp hội và các doanh nghiệp.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được 8 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 5 kiến nghị, còn lại 3 kiến nghị, trong đó còn hạn 1 kiến nghị, quá hạn 2 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về: hướng dẫn cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động; chế độ dành cho lao động nữ và xác định tiền lương dùng để chi trả các chế độ thai sản, ốm đau; chính sách bồi thường tai nạn lao động; thực hiện chi trả tiền lương cho người quản lý và người lao động tại doanh nghiệp; trợ cấp khi giải thể công ty; trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn; trợ cấp thôi việc cho hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động sau ngày 1/5/2013…

- Bộ Y tế nhận được 7 kiến nghị của doanh nghiệp với các nội dung: Đề nghị hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế thực hiện Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ; thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đề nghị Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cần tạo điều kiện cho khám chữa bệnh có Bảo hiểm y tế…

Nhìn chung, việc trả lời kiến nghị của Bộ Y tế còn chậm dù số lượng kiến nghị nhận được không nhiều. Trong tháng 5/2019, Bộ Y tế nhận được 7 kiến nghị nhưng chưa trả lời kiến nghị nào. Trong tháng 4/2019 nhận được 5 kiến nghị nhưng đến thời điểm 31/5/2019 cũng chỉ mới trả lời được 2 kiến nghị.

- Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được 6 kiến nghị của doanh nghiệp (đã trả lời 0 kiến nghị, còn lại 6 kiến nghị, trong đó còn hạn 6 kiến nghị, quá hạn 0 kiến nghị). Nội dung các kiến nghị: đề xuất các giải pháp về công nghệ để tạo ra đột phá trong lĩnh vực dạy, học và đánh giá trình độ tiếng Anh cho người Việt Nam; hướng dẫn đăng ký thương hiệu và nhãn hiệu; giải thích quy định tại Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ; đề nghị giải quyết đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “kita’s”…

- Doanh nghiệp cũng kiến nghị một số nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước; Bộ Quốc phòng; Bộ Công An; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND TP Hà Nội và các tỉnh Đắk Lắc, Sơn La, Bắc Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, một số nội dung nổi bật như: hướng dẫn thực hiện Quyết định 765/QĐ-BCT ngày 29/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về danh mục các mặt hàng được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hàng dệt may bán cho khách hàng trong khu chế xuất; thành lập văn phòng đại diện cho nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài; hướng dẫn vấn đề liên quan đến việc cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài; thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở sửa chữa, gia công cánh quạt tàu bay; hướng dẫn  thanh toán hợp đồng mua bán với công ty nước ngoài; thủ tục cấp giấy xác nhận đăng ký sử dụng máy in có chức năng photocopy; đề xuất cho thuê đất đối với những trụ sở công trình sự nghiệp dôi dư không còn nhu cầu sử dụng; đề xuất thí điểm triển khai hợp tác xã kiểu mới Lan Anh Phủ Quốc Oai; …

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong tháng 5/2019, VCCI nhận được 56 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 10 bộ, ngành, địa phương (tăng 39 văn bản so với tháng 4/2019). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Nhìn chung, các bộ, ngành trả lời kiến nghị doanh nghiệp khá kịp thời, số lượng kiến nghị quá hạn trả lời ít gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ duy nhất không tồn đọng kiến nghị của các tháng trước. Một số bộ, ngành trả lời kiến nghị khá chậm như: Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân TP Hà Nội…

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2019 đến hết 31/5/2019, còn 141 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Nhiều kiến nghị đã được Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển từ đầu năm 2019 những vẫn chưa được giải quyết. Các bộ, ngành có nhiều kiến nghị chưa được trả lời gồm: Bộ Tài chính 36 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường 19 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 18 kiến nghị; Bộ Y tế 12 kiến nghị; …. Đối với địa phương có 9 tỉnh, TP trực thuộc trung ương chưa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bắc Giang; Ninh Bình; Bình Phước, Đắk Lắc, Kiên Giang, trong đó UBND TP Hà Nội tồn nhiều kiến nghị chưa trả lời nhất với 6 kiến nghị.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 5/2019, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- VCCI đã đóng góp ý kiến đối với một số dự thảo văn bản pháp luật như: Nghị định sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 04/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường; Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe; Thông tư về mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan đối với doanh nghiệp hoạt động XNK, quá cảnh hàng hóa và một số văn bản hướng dẫn quan trọng khác như: Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet; Thông tư hướng dẫn Nghị định về thủ tục quá cảnh hải quan ASEAN; Thông tư Quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci

- Trong khuông khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Chủ tịch VCCI đã đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề “Chủ động khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP để phát triển bứt phá”. Tham gia đối thoại tại phiên Toàn thể của Diễn đàn, Chủ tịch VCCI đã trình bày bản kiến nghị quan trọng gồm 10 điểm cụ thể với mục đích xây dựng thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc, tăng năng suất khu vực tư nhân từ đó tăng khả năng kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam với thông điệp mạnh mẽ: Chính phủ kiến tạo - nhân dân khởi nghiệp - cải cách thể chế và nâng cấp doanh nghiệp cần là những việc song hành để bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

- Tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong 10 năm qua, VCCI luôn bám sát chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức Lễ phát động chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; tổ chức 670 khoá đào tạo, tập huấn, tọa đàm, hội thảo nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động kết nối các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm với các doanh nghiệp/đơn vị có nhu cầu tiêu thụ, phân phối sản phẩm...; tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và nhân dân đồng hành cùng hàng Việt; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các chương trình game show, các chuyên mục phản ánh các chủ đề liên quan tới người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, quảng bá sản phẩm hàng Việt, tăng cường nhận thức tiêu dùng hàng Việt Nam trong mua sắm, tiêu dùng cá nhân, các đơn vị trực thuộc sử dụng kinh phí công ưu tiên sử dụng hàng hoá nội địa trong xây dựng cơ bản mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác, đồ dùng văn phòng... Từ tác động tích cực của cuộc vận động, nhiều doanh nghiệp hội viên VCCI nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung đã mở rộng các kênh phân phối, phát triển đại lý ở nhiều tỉnh thành trên cả nước với lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng.

- Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ Luật lao động từ cộng đồng doanh nghiệp” ngày 14/5/2019 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự tham dự đông đảo của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện giới sử dụng lao động. Hội thảo đã tập trung thảo luận những bất cập của Bộ Luật Lao động hiện hành và một số vấn đề sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo Luật Lao động (sửa đổi, bổ sung) như điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng thoả thuận khung thời gian làm thêm của doanh nghiệp, vấn đề tiền lương tối thiểu, thống nhất giờ làm trong toàn quốc, các quy định về tổ chức đại diện người sử dụng lao động… Đây đều là những vấn đề nóng, nhận được nhiều ý kiến phản biện trong quá trình lấy ý kiến xây dựng luật. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo đã được Ban Soạn thảo ghi nhận và tiếp thu để chỉnh lý dự thảo trước Bộ luật trước khi trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

- Phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công” ngày 15/5/2019 tại Hà Nội. “Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công” là một mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Tuy nhiên, việc xã hội hóa các dịch vụ công vẫn rất chậm so với tiến trình đổi mới nền kinh tế và còn nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá đúng vai trò thực tế của tư nhân trong cung cấp các dịch vụ công hiện nay, nhận diện các rào cản về pháp lý và từ thực tế để kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, góp phần cải cách bộ máy hành chính Nhà nước nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân trong cung cấp dịch vụ công. Theo quan điểm của VCCI, việc mở cửa và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực: xã hội hoá dịch vụ công giúp nhà nước thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi, tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng, phần tăng sức cạnh tranh của ngành dịch vụ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

- Lãnh đạo VCCI và các đơn vị chuyên môn tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, góp ý chính sách như: đồng chủ trì Hội nghị “Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK”; tham dự họp Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; họp Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội; chủ trì thực hiện Báo cáo chuyên đề “Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”; góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu gia nhập Công ước Singapore về hòa giải; góp ý phương án đàm phán thuế nhập khẩu FTA Việt Nam - Israel; góp ý phương án đàm phán thuế nhập khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN+6 (RCEP)…

- Tiếp tục các hoạt động hậu công bố Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018: tham dự các hội nghị, hội thảo và có các tham luận phân tích, đánh giá PCI của các địa phương Quảng Ninh, Tuyên Quang, Nam Định, Lâm Đồng; chuẩn bị cho các hội thảo chẩn đoán PCI 2018 cho các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Bình Phước, Sóc Trăng và Hội thảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn theo yêu cầu của các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án PCI giai đoạn 2019-2022.

- Tiếp tục các hoạt động hậu công bố Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018: phối hợp với các địa phương tổ chức các hội thảo chẩn đoán PCI tại tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Hà Nội và Hội thảo PCI cấp vùng cho Hội đồng nhân dân khu vực ĐBSCL, miền Trung Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án PCI giai đoạn 2019-2022; tiếp tục phối hợp với Quỹ Châu Á triển khai Nghiên cứu “Đánh giá tổng quan về khả năng chống chịu của doanh nghiệp” lồng ghép trong khảo sát PCI…

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động Thúc đẩy thực hiện Liêm chính trong kinh doanh: triển khai kế hoạch xuất bản Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và Quy tắc ứng xử CoC tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”; xây dựng Tài liệu đào tạo về kiểm soát nội bộ (IC) và các quy tắc ứng xử trong phòng chống tham nhũng (CoC); triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN” do UNDP triển khai…

- Tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Nền kinh tế tuần hoàn: tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp trong ngành giấy và nhựa; chuẩn bị khảo sát thực trạng doanh nghiệp sau ba năm áp dụng Bộ chỉ số CSI; phối hợp với Công ty Môi trường đô thị TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị khảo sát đánh giá thí điểm triển khai Sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” (ZWTN) trên địa bàn quận Tân Phú (TP.Hồ Chí Minh); cập nhật, điều chỉnh Bộ chỉ số DN phát triển bền vững (CSI) năm 2019; làm việc với Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI) về hợp tác tổ chức tập huấn về CSI và GRI cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Điển từ ngày 20-29/5/2019, Chủ tịch VCCI đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng. Các doanh nghiệp tham gia đoàn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân lớn, hoạt động trong lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: bưu chính viễn thông, dầu khí, tài chính, ngân hàng, đầu tư, dệt may, tài chính – đầu tư, thương mại tổng hợp, vật liệu và thiết bị công nghiệp, du lịch, xây dựng và phát triển hạ tầng, xuất khẩu lao động… đã, đang có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp hoặc có tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác với doanh nghiệp các nước trên.

Trong khuôn khổ chuyến đi, VCCI đã phối hợp với các đối tác tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nga, Việt Nam – Na Uy và Việt Nam – Thụy Điển và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hiệu quả, thu hút gần 200 doanh nghiệp bản địa tham dự mỗi Diễn đàn nhằm chia sẻ về môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác và kinh nghiệm làm ăn tại mỗi nước cũng như tiếp xúc trực tiếp để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Tại các Diễn đàn, nhiều thỏa thuận hợp tác, hợp đồng có giá trị lớn được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nga, Na Uy, Thụy Điển, tiêu biểu như: Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Rostelecom về hệ thống nhận dạng, hệ thống sinh trắc học hợp nhất, an ninh mạng và hệ thống giao thông thông minh;  Biên bản ghi nhớ giữa Scatec Solar và MTEC về hợp tác phát triển Dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh Bình Phước, Nghệ An và Quảng Trị với tổng giá trị 500 triệu USD; Hợp đồng mua bán nông sản đã qua chế biến giữa Công ty CP chế biến nông sản Việt Xanh và Công ty AM Overseas., Ltd trị giá 20 triệu USD; Thỏa thuận giữa VNPT với Tập đoàn Fors (Nga) và Erisson (Thụy Điển) về khả năng tích hợp các sản phẩm và giải pháp của hai tập đoàn này vào hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ của VNPT; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học Công nghệ với Tập đoàn ABB, trường Đại học Uppsala và Học viện Karolinska của Thụy Điển về ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu khoa học và sản xuất. Bên cạnh đó, VCCI cũng đã ký Thoả thuận hợp tác với các đối tác gồm Phòng Thương mại Công nghiệp Mát-xcơ-va, Cơ quan Thương mại Đầu tư Na Uy và Cơ quan xúc tiến thương mại & Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden) nhằm xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối kinh doanh, thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

- Tổ chức Toạ đàm "Xúc tiến Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp". Tham dự toạ đàm có các Hiệp hội Doanh nghiệp đến từ các nước đối tác chiến lược của Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số địa phương có nhiều kết quả trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài và nhiều doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước và thiết lập quan hệ đối tác quan trọng với Hoa Kỳ. Đây là 17 đối tác trọng điểm của Việt Nam, đang đầu tư gần 230 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 70% tổng giá trị đầu tư và 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Tại buổi Tọa đàm, một số Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại – đầu tư của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ … đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu và thu hút đầu tư cũng như những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp các nước trong việc thâm nhập thị trường, mở rộng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, VCCI đang được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì Đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, quan trọng” (Đề án 25). Trong khuôn khổ thực hiện Đề án, VCCI sẽ thành lập “Mạng lưới quốc gia về xúc tiến thương mại đầu tư của Việt Nam” (VITPN) nhằm liên kết các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư cùng tham gia vào mạng lưới này để kết nối với nhau, phối hợp với nhau để nâng cao hiệu quả thương mại đầu tư.

- Phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCharm Hanoi) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2019. Với chủ đề "Kỷ niệm 25 năm Thương mại và Đầu tư", hội nghị có sự tham dự của hơn 250 đại biểu là đại diện Chính phủ, doanh nghiệp hai nước, trong đó có nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam và cả những nhà đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp lớn như Amazon, Google, Coca Cola… Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam. Trong những năm qua, các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó góp phần nâng cao tay nghề, tăng thu nhập và mang lại thịnh vượng cho người dân Việt Nam. Đây là lần thứ ba VCCI phối hợp với các đối tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ với nỗ lực kiến tạo, thúc đẩy nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh mới và phát triển hơn nữa thành quả hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên trong 25 năm qua. Tại hội nghị, Chủ tịch VCCI cùng đại diện AmCharm và USCC đều thể hiện cam kết tiếp tục tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hai nước kết nối đầu tư, kinh doanh.

- Phối hợp với Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thuỵ Điển, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển: Đối tác vì phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo”. Hội nghị được tổ chức nhân chuyến thăm của Công chúa kế vị Victoria Ingrid Alice Desiree và Phu quân nhân dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Công chúa Thuỵ Điển và gần 150 doanh nghiệp hai nước, trong đó có lãnh đạo 50 công ty hàng đầu Thụy Điển. Trong nhiều năm qua, Thụy Điển là đối tác quan trọng, tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng và có xu hướng tiếp tục tăng trước nhiều cơ hội lớn EVFTA đem lại trong tương lai. Các đại biểu tham gia hội nghị tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề quan trọng hai bên cùng quan tâm như đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, phát triển thành phố thông minh, y tế và giáo dục…

- Phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nepal tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal Khadga Prasad Sharma Oli. Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nepal khẳng định Nepal đã có chính phủ ổn định và bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Nepal đã kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Nepal trong lĩnh vực du lịch, năng lượng, y tế, chuyển đổi số, giao thông vận tải. Nhân dịp này, VCCI và Phòng Thương mại Nepal đã ký Thỏa thuận hợp tác và triển khai nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam và Nepal.

- Tổ chức Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố các Doanh nghiệp bền vững (CSI) tại Việt Nam năm 2019. Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam qua ba năm tổ chức đã tạo ra sự lan tỏa, khích lệ  lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, đặc biệt khi nền kinh tế trong nước đang hòa cùng làn sóng chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp nối thành công của các năm trước, Chương trình năm 2019 sẽ được tổ chức với kỳ vọng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bứt phá trong hai năm cuối của thập niên nhằm góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững. Ngoài việc đánh giá và công bố những doanh nghiệp theo đuổi và thực hiện xuất sắc chiến lược bền vững, Chương trình còn hướng tới việc tăng cường trao đổi và hợp tác về phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, từ đó góp phần hỗ trợ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững đối với doanh nghiệp và xã hội.

- Tổ chức 64 khóa đào tạo, tập huấn cho 2.929 doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến lập kế hoạch và đánh giá hiệu suất, kỹ năng soạn thảo hợp đồng và giải quyết tranh chấp, quản trị tài chính nhằm nâng cao năng lực quản trị và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho doanh nghiệp; tập huấn cho đại diện người sử dụng lao động và người lao động về các chỉ tiêu thông kê lao động và việc làm trong Bộ chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam; hướng dẫn tuân thủ các quy định trong giao dịch liên kết, phòng ngừa rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế liên quan đến giao dịch liên kết…

- Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản trị và hội nhập quốc tế: Hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN+6 (RCEP): Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”; Diễn đàn “Xu hướng đầu tư bất động sản năm 2019” tại Hà Nội; Tọa đàm “Xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho ngành hàng không” tại Hà Nội; Hội thảo Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội; Toạ đàm Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc); Hội thảo “Kinh doanh trực tuyến cùng Alibaba: Cơ hội vàng cho các DNNVV Việt Nam” tại Đà Nẵng; Hội thảo “Quản trị nguồn nhân lực trong thời đại chuyển đổi số” tại Đà Nẵng; Hội thảo “Đổi mới phương thức quản lý DN – Phát triển năng lực lãnh đạo DNNVV do nữ làm chủ trong thời kỳ hội nhập” tại Nha Trang; Hội nghị “Xu hướng CMCN 4.0 và ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hiệp hội doanh nghiệp” tại Lâm Đồng; Diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực ngành Logistics và xu hướng năm 2019” tại TP.Hồ Chí Minh; Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường các nước – Hướng dẫn phương thức vận tải hàng hóa XK hiệu quả nhất tại Cảng Cam Ranh dành cho các DN XNK khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; Hội thảo “Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Thế giới năm 2019 - Cơ hội, thách thức đối với DN Bình Thuận”; Toạ đàm “Tầm nhìn lãnh đạo: Giá trị bình đẳng – Chìa khoá phát triển bền vững của doanh nghiệp”…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2019 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư(Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Y tế (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Công Thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Ngân hàng nhà nước Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Nội vụ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2019 của Bộ Giao thông vận tải (Tải về)