Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2019

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số:  1126/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2019

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2019

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng 4 năm 2019, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 4/2019

Trong tháng 4/2019, VCCI thống kê có 90 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp  gửi đến 19 bộ, ngành, địa phương (tăng 65 kiến nghị so với tháng 3/2019). Tính đến hết 30/4/2019, đã có 13 kiến nghị được trả lời, 1 kiến nghị doanh nghiệp xin rút và 76 kiến nghị chưa trả lời. Số kiến nghị chưa được trả lời trong tháng khá cao do kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến các cơ quan chức năng tập trung vào thời điểm cuối tháng 4/2019 khá lớn dẫn đến các bộ, ngành, địa phương chưa kịp trả lời. Vì vậy, số kiến nghị quá thời hạn trả lời chỉ chiếm khoảng 30% (23 kiến nghị/76 kiến nghị), còn lại là các kiến nghị vẫn trong thời hạn trả lời.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo. Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính nhận được nhiều kiến nghị nhất trong tháng với 25 kiến nghị, nội dung các kiến nghị tập trung đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật trong các vấn đề: nộp lệ phí trước bạ đối với việc chuyển đổi đăng ký xe ô tô do sáp nhập công ty; quy định hóa đơn chứng từ kế toán; tính doanh thu tính thuế của hoạt động chuyển nhượng bất động sản; việc thanh toán cho liên danh khi thực hiện hợp đồng cung cấp thiết bị cho chủ đầu tư; việc thanh toán cho liên danh khi thực hiện hợp đồng cung cấp thiết bị cho chủ đầu tư; miễn tiền thuê đất cho các công ty lâm nghiệp; thanh lý tài sản của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài;  nộp tiền thuê đất và tiền bổ sung đối với dự án xây dựng trung tâm thương mại chậm tiến độ; việc áp dụng thuế suất GTGT 5% cho hàng y tế nhập khẩu; thời gian tối đa theo quy định thì Tổng cục Hải quan phải trả lời kết quả kiểm hóa cho doanh nghiệp … Một số kiến nghị nổi bật, số lượng doanh nghiệp kiến nghị nhiều như:

+ Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phản ánh tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã trả lời rằng các Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước thời điểm 01/01/2015 không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định tại Luật số 71. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp khác trong Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như qua các thông tin doanh nghiệp có được từ cộng đồng các nhà đầu tư tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến từ các quốc gia khác (Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc), Tổng cục Thuế và một số Cục Thuế địa phương cũng đã ban hành một số văn bản trả lời một số doanh nghiệp, trong đó cũng thể hiện quan điểm nói trên.

Theo doanh nghiệp, quan điểm nêu trên của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất trong lĩnh vực CNHT tại Việt Nam nói chung trong việc thụ hưởng ưu đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Quan điểm này hoàn toàn không phù hợp với các quy định về bảo đảm ưu đãi đầu tư và thuế tại các văn bản pháp luật về đầu tư và thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cần có kết luận rõ ràng về quan điểm Bộ Tài chính đã nêu tại Hội nghị để hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có ý kiến đề nghị xem xét lại dự kiến tăng thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% lên 5% tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP. Doanh nghiệp cho rằng, tác động của việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trồng rừng, ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu về độ che phủ rừng từ 41,6% lên 45% theo Quyết định số 419/QĐ-TTG kí ngày 5/4/2017 về phê duyệt chương trình quốc gia quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Công ty CP Vinafarm Việt Nam phản ánh Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh mở thầu gói 16.000 tấn gạo nhập kho dự trữ Quốc gia. Doanh nghiệp đã nhiều lần liên hệ trực tiếp tại 15 Nguyễn Sỹ Sách, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An nhưng phía Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh không cung cấp các thông tin liên quan đến hồ sơ mời thầu. Doanh nghiệp cho rằng, có dấu hiệu của hiện tượng "lợi ích nhóm" trong việc bán hồ sơ mời thầu, thể hiện qua cách thức không minh bạch và cố tính gây khó dễ cho các doanh nghiệp khi tiếp cận.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 23 kiến nghị của doanh nghiệp, đề nghị hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trong đó có 9/23 đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu đối với các nội dung: thực hiện lựa chọn nhà thầu cho gói thầu xây lắp và tư vấn; tham dự gói thầu thuộc dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu; nộp hồ sơ dự thầu qua mạng; chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo Thông tư 04/2014/TT-BKHĐT ngày 25/1/2019 và một số vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia các gói thầu cụ thể tại Nghệ An, Bắc Giang.

Một số doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện các nội dung khác gồm: lập dự án đầu tư mua sắm hệ thống thiết bị phát thanh, truyền hình; vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư và các Nghị định có liên quan; hướng dẫn việc nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế loại B, C, D; chuyển nhượng vốn của Công ty cho nhà đầu tư nước ngoài; hướng dẫn áp dụng điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014; vướng mắc khi chuyển nhượng góp vốn của công ty cho nhà đầu tư người Việt Nam; bố trí vốn đầu tư công hàng năm cho dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa có quyết định đầu tư; áp dụng Nghị định 57/2018/NĐ-CP về hỗ trợ đầu tư dự án nông nghiệp

- Bộ Xây dựng nhận được 9 kiến nghị của doanh nghiệp đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về các nội dung: vướng mắc khi thực hiện thành lập Ban Quản lý đầu tư xây dựng; vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình; vướng mắc trong công tác nghiệm thu kết quả bảo trì công trình sửa chữa định kỳ đường sắt; xử lý khối lượng mời thầu thiếu trong đấu thầu đối với hợp đồng trọn gói; xử lý khối lượng mời thầu thiếu trong đấu thầu đối với hợp đồng trọn gói và một số nội dung khác gồm: xử lý khối lượng mời thầu thiếu, quyết toán công trình xây dựng, đánh giá năng lực hoạt động xây dựng.

- Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận được 6 kiến nghị của doanh nghiệp về các nội dung:  cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho diện tích văn phòng; thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; vướng mắc liên quan đến quyền của nhà đầu tư thuê đất trả tiền một lần, miễn tiền thuê đất trong một số năm; thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; vướng mắc khi thực hiện nộp thuế tài nguyên theo sản lượng khai thác thực tế; vướng mắc khi thực hiện đầu tư dự án nghĩa trang.

- Bộ Tư pháp nhận được một số kiến nghị trong đó nổi bật có kiến nghị của Công ty TNHH Minh Tuấn, tỉnh Quảng Ngãi phản ánh việc Chi cục Thi hành án huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi cưỡng chế kê biên tài sản không phải là tài sản thế chấp, cũng không nằm trong bản án của tòa và bán tài sản của Công ty trong khi Công ty đang khiếu nại về giá mà Công ty đề nghị tạm dừng nhưng không được giải quyết.

- Trong lĩnh vực lao động các doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về những nội dung gồm: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động không có đủ sức khỏe làm việc; thực hiện các quy định liên quan đến chính sách tiền lương và thuế thu nhập cá nhân cho người lao động; hiểu về quy định làm thêm giờ và chuyển ca…

- Doanh nghiệp cũng kiến nghị một số nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước; Bộ Nội vụ; Bộ Công An; Bộ NN&PTNN như: vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong việc nhập khẩu dầu bôi trơn; thủ tục thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân đến từ Iran; hạn ngạch nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam; giải đáp về quyền bán thuốc của cơ sở sản xuất thuốc cho cơ sở khám chữa bệnh; vướng mắc liên quan đến việc thực hiện quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ; thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho trường hợp không có đăng ký kinh doanh tại địa bàn kinh doanh; phân loại thiết bị y tế; hướng dẫn hạn mức vay vốn doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý ngoại hối; thủ tục xin cấp thẻ tạm trú cho người lao động nước ngoài …

- Các kiến nghị doanh nghiệp gửi đến các địa phương chủ yếu đề nghị tháo gỡ khó khăn cụ thể doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án đầu tư, xây dựng Đài hóa thân hoàn vũ Việt Đức tại Thung Lang, phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; giải quyết quyền lợi và lợi ích cho doanh nghiệp từ việc khai thác, tận dụng, tận thu và tiêu thụ Lâm sản tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, Bình Phước; những khó khăn, bất cập khi thực hiện đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh; vướng mắc khấu trừ tiền thuê đất vào tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội…

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

Trong tháng 4/2019, VCCI nhận được 17 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 9 bộ, ngành, địa phương (giảm 3 văn bản so với tháng 3/2019). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Nhìn chung, các bộ, ngành trả lời kiến nghị doanh nghiệp khá kịp thời, số lượng kiến nghị quá hạn trả lời ít gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính. Một số bộ, ngành trả lời kiến nghị khá chậm như: Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2019 đến hết 30/4/2019, còn 107 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Nhiều kiến nghị đã được Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển từ đầu năm 2019 những vẫn chưa được giải quyết. Các bộ, ngành có nhiều kiến nghị chưa được trả lời gồm: Bộ Tài chính 28 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 15 kiến nghị; Bộ Tài nguyên và Môi trường 10 kiến nghị; Bộ Xây dựng: 8 kiến nghị; Bộ Y tế: 9 kiến nghị;  Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội 7 kiến nghị; Bộ Công Thương 5 kiến nghị…. Đối với địa phương có 7 tỉnh, TP trực thuộc trung ương chưa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bắc Giang; Ninh Bình; Bình Phước.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp.

  1. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 4/2019, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- VCCI đã hoàn thành góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư về mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Thông tư quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện… và góp ý nhiều văn bản pháp luật khác của các Bộ, ngành.

- Chủ tịch VCCI tham dự buổi làm việc giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng đoàn. Tại buổi làm việc, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã báo cáo Tổng Bí thư về cảm nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trước những chuyển biến tích cực của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với vai trò đồng hành, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp quốc gia, VCCI  cam kết sẽ tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ của mình trong công cuộc kiến thiết đất nước, hướng tới phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

- Chủ tịch VCCI tham gia Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 5 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ) về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ghi nhận của Tổ công tác và tổng hợp kiến nghị doanh nghiệp của VCCI, các Bộ đã nỗ lực cải cách, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều văn bản giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tuy nhiên trong đó vẫn còn tồn tại một số nội dung ở một số văn bản gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp khi thực hiện luật. Do đó, trong thời gian tiếp theo, việc cải cách cần tập trung và thực chất hơn.

- Phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp” tại Hà Nội với sự chủ trì của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và lãnh đạo CIEM và sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, báo chí truyền hình. Phát biểu tại Hội thảo, đại diện VCCI khẳng định, dự thảo chưa thể hiện được những thay đổi căn bản về loại hình doanh nghiệp, con dấu, đại diện pháp luật, quy định cổ đông… Các chi phí hành chính, chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Hơn nữa, dự thảo luật sửa đổi cũng chưa tạo điều kiện đơn giản, thuận lợi cho hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp. Quan điểm của VCCI là điều chỉnh luật cần bám sát thực tiễn hoạt động của hộ kinh doanh và nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước nhằm tạo điều kiện cho khu vực hộ kinh doanh phát triển hơn nữa, đồng thời gắn với mục tiêu phát triển số lượng doanh nghiệp đi đôi với hiệu quả hoạt động. Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp cần có những điều chỉnh căn bản và đột phá, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát huy tiềm lực và phát triển.

- Phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019 tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh. Với mục tiêu tăng cường liên kết trong phát triển kinh tế vùng duyên hải phía Bắc, gồm các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Diễn đàn là cơ hội để các địa phương giới thiệu về chiến lược phát triển kinh tế, định hướng thu hút đầu tư, là cơ sở để các tỉnh, thành trong khu vực kết nối, hợp tác, tạo thế mạnh chung, đột phá để phát triển kinh tế vùng. Bên cạnh đó, chuyên gia đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI đưa ra nhiều nhận định, đánh giá PCI các tỉnh trong khu vực, đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực thời gian tới. Đồng thời, đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tốt của địa phương trong việc cải thiện PCI. Nhân dịp này, Chủ tịch VCCI đã trao bằng khen cho các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong năm 2018.

- Lãnh đạo VCCI và các đơn vị chuyên môn tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, góp ý chính sách như: Họp Tổ biên tập Đề án “Xây dựng bộ chỉ tiêu về Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” tại Ban Kinh tế Trung ương; Họp Ban chỉ đạo Chương trình An toàn vệ sinh lao động – kế hoạch triển khai 2019; Tham gia đoàn khảo sát thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư và khảo sát doanh nghiệp trong khuôn khổ hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tại Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh; tham gia đoàn khảo sát địa phương về tình hình thực hiện Chỉ thị số 22- CT/TW tại Công ty Canon và Toto Hà Nội; Họp khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 22- CT/TW tại Thành ủy Hà Nội; Tham dự Diễn đàn chuyên gia về “Chia sẻ thực trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc và những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện vấn đề này trong hệ thống pháp luật lao động tai Việt Nam” tại Hà Nội; tham dự Tọa đàm về “Các quy định của pháp luật lao động và sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp” tại TP. Hồ Chí Minh…

- Tiếp tục các hoạt động hậu công bố Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018: tham dự các hội nghị, hội thảo và có các tham luận phân tích, đánh giá PCI của các địa phương Quảng Ninh, Tuyên Quang, Nam Định, Lâm Đồng; chuẩn bị cho các hội thảo chẩn đoán PCI 2018 cho các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Bình Phước, Sóc Trăng và Hội thảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn theo yêu cầu của các tỉnh, địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án PCI giai đoạn 2019-2022.

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh: triển khai kế hoạch xuất bản Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và Quy tắc ứng xử CoC tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”; xây dựng tài liệu đào tạo về kiểm soát nội bộ (IC) và các quy tắc ứng xử trong phòng chống tham nhũng (CoC); làm việc với UNDP về đề xuất tài trợ giai đoạn tháng 4/2019 - 3/2020 trong khuôn khổ dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN” do UNDP triển khai; tiếp đoàn công tác của OECD; xây dựng kế hoạch triển khai hoat động đào tạo về liêm chính doanh nghiệp: tổ chức khóa đào tạo về “Quản trị công ty hiệu quả, minh bạch tại công ty cổ phần” tại Hà Nội…

- Tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Nền kinh tế tuần hoàn: Làm việc trực tuyến với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Singapore; họp Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững; lập điều khoản tham chiếu nghiên cứu áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) tại doanh nghiệp; chuẩn bị khảo sát thực trạng doanh nghiệp sau 03 năm áp dụng Bộ chỉ số CSI; tiếp tục hoạt động nghiên cứu xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp trong ngành giấy và nhựa; tổ chức Hội thảo về “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” tại Hà Nội nhằm chia sẻ những chính sách của Nhà nước về quả lý và hỗ trợ cho việc tái chế, tái xử lý chất thải, kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và ra mắt Nhóm làm việc về kinh tế tuần hoàn…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Tổ chức đoàn gồm 50 doanh nghiệp Việt Nam do Chủ tịch VCCI làm trưởng đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Ru-ma-ni và Cộng hòa Séc từ ngày 14-18/4/2019. Các doanh nghiệp tham gia đoàn động trong lĩnh vực: dệt may, tài chính – đầu tư, thương mại tổng hợp, giao nhận kho vận, dịch vụ và thiết bị y tế, xuất nhập khẩu, vật liệu và thiết bị điện, hàng tiêu dùng, du lịch, đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng, xuất khẩu lao động… đã và đang có quan hệ hợp tác với đối tác Rumani và Séc hoặc có tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác với các nước này.

Trong khuôn khổ chuyến đi, VCCI đã phối hợp với Phòng Thương mại & Công nghiệp Rumani và Liên đoàn Công nghiệp & Giao thông Cộng hòa Séc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Rumani và Việt Nam – Séc, thu hút hơn 200 doanh nghiệp sở tại tham dự, chia sẻ về môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác và kinh nghiệm làm ăn tại mỗi nước. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Rumani và Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Séc đã tham dự, phát biểu chỉ đạo tại các Diễn đàn. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và hai nước còn ở mức thấp, có nhiều dư địa để khai thác. Một số lĩnh vực có thể đẩy mạnh hợp tác như: xuất khẩu lao động lành nghề từ Việt Nam, trao đổi, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ tư vấn thiết kế, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, xuất nhập khẩu thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản… Tại các diễn đàn, đã có 10 Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Séc, Ru-ma-ni. Cũng trong khôn khổ các diễn đàn,  VCCI đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Cộng hòa Séc về thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, tư vấn, trao đổi thông tin và đặc biệt liên quan đến nội dung thúc đẩy ký kết EVFTA trong cộng đồng doanh nghiệp; ký Thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Rumani về các chương trình xúc tiến hợp tác doanh nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin, tư vấn đào tạo doanh nghiệp…

- Phối hợp tổ chức và đồng chủ trì Tọa đàm bàn tròn CEO Việt Nam – Hà Lan tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức và làm việc của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Tọa đàm có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Thủ tướng Hà Lan cùng các doanh nghiệp hai nước. Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn như Heineken, Unilever, Shell… Hai nước đồng thời có nhiều điểm tương đồng như tiềm năng về kinh tế biển, có đồng bằng châu thổ, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ biến đổi khí hậu, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai bên. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, VCCI đã phối hợp với Chương trình hợp tác giới chủ Hà Lan (DECP) tổ chức Tọa đàm “Trao quyền cho phụ nữ và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam” với sự tham dự của các doanh nhân nữ tiêu biểu hai nước, đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp và giới chủ Hà Lan (VNO-NCW). Tại Tọa đàm, nhiều sáng kiến được đề xuất về hỗ trợ doanh nhân nữ hai nước kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng quyền năng cho phụ nữ trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở hai nước.

- Chủ tịch VCCI tham dự và đồng chủ trì phiên thảo luận tại Diễn đàn CEO 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 5/4/2019. Tại Diễn đàn, các đại biểu tham gia các phiên thảo luận phân tích xu thế tất yếu và giá trị của đổi mới, sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cùng chia sẻ, trao đổi về nhiều kinh nghiệm thực tiễn về đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

- Tổ chức 58 khóa đào tạo, tập huấn cho 3074 doanh nghiệp về các chủ đề liên quan đến lập kế hoạch và đánh giá hiệu suất, kỹ năng soạn thảo hợp đồng và giải quyết tranh chấp, quản trị tài chính nhằm nâng cao năng lực quản trị và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho doanh nghiệp…

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản trị và hội nhập quốc tế: Hội thảo “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga” tại Hà Nội; Hội thảo “Thúc đẩy thương mại và đầu tư Việt Nam-Nigeria” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Oman tại Hà Nội; Hội thảo “Du lịch Quảng Ninh – Vươn tầm di sản” tổ chức tại TP. Hạ Long; Hội thảo “Cơ hội thị trường Australia từ CPTPP” tại Hà Nội; Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Singapore tại Đà Nẵng; Giao lưu thương mại Việt Nam – Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo “Cơ hội kinh doanh Việt Nam – Malaysia trong ngành Ô tô” tại Hà Nội; tổ chức Hội thảo “Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới” tại Hà Nội; Hội thảo “Thương mại Việt – Mỹ: Thời cơ và vận hội mới” tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo “Ngành dệt may trong xu hướng hội nhập – Phổ biến quy tắc xuất xứ CPTPP và cách thức tham gia Cơ chế REX” tại Hà Nội; Hội thảo “Liên minh Doanh nghiệp về CSR – Hợp lực cho ngành gỗ và thủy sản” tại TP. Hồ Chí Minh; Tọa đàm “Xu hướng tự động hoá và thương mại điện tử - Tương lai nghề nghiệp trong ngành Logistics” tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo "Vận dụng biểu thuế quan ưu đãi, phương pháp đối phó với các hàng rào phi thuế quan và sử dụng công cụ phân tích thị trường" tại Bình Thuận; Tọa đàm về “Các quy định của pháp luật lao động và sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp” tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo “Kỹ năng vận dụng pháp luật trong việc thực hiện chính sách về đối thoại và thương lượng trong quá trình ký kết, sử dụng và chấm dứt hợp đồng lao động và dự kiến những nội dung sửa đổi” tại Hà Nội; Hội thảo “BB – BEST FOR BEST – Kênh phân phối đa nhiệm: Giải pháp tối ưu dành cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo tập huấn “Thông tin - Công cụ quan trọng cho xây dựng  chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 và đào tạo kỹ năng kỹ thuật số” tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo “Khởi nghiệp với WeCreate Vietnam” tại Cần Thơ…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Nơi nhận :

- Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2019 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của Bộ Giao Thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của Bộ Tài nguyên và môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của Bộ Tư pháp (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2019 của UBND Thành phố Hà nội  (Tải về)