VCCI: 56 năm sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp

Trong một cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng, Thủ tướng nói rằng: “Không phải ai cũng vui khi nghe tiếng nói của VCCI. Nhưng cần phải nghe những ý kiến phản biện độc lập, có trách nhiệm như vậy mới thúc đẩy được cải cách của Việt Nam".

Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc và ông Daniel J.Kritenbrink Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trao kỷ niệm chương cho 4 tỉnh đứng đầu PCI 2018.

Thúc đẩy cải cách

Có dịp trao đổi với lãnh đạo một số địa phương mới thấy họ đánh giá rất cao việc VCCI đẩy mạnh xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể với cộng đồng doanh nghiệp để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Bên cạnh đó, VCCI đã tạo ra động lực cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nhất là ở các địa phương thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tiếng nói, uy tín của VCCI cũng ngày một mạnh mẽ, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của VCCI cũng ngày một phong phú hơn.

Cùng với PCI, VCCI đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc kiến nghị cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. VCCI đã đưa ra nhiều kiến nghị, giảm phiền hà cho doanh nghiệp trong thủ tục thuế và hải quan. Điều này đã tạo ra một “làn sóng” cải cách thủ tục hành chính ở các Bộ, ngành thời gian qua.

Ngoài ra, VCCI còn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua việc công bố bộ chỉ số và tôn vinh các doanh nghiệp phát triển bền vững hàng năm. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Luôn coi các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng phải đặc biệt quan tâm hàng đầu, thời gian qua, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc hỗ trợ DNNVV, thúc đẩy hỗ trợ và phát triển các Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội Doanh nghiệp ở các địa phương, đẩy mạnh XTTM, đầu tư thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, tổ chức hoạt động XTTM, góp phần đẩy mạnh XK và đưa các dự án đầu tư nước ngoài vào VN. Việc VCCI hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại, hỗ trợ pháp lý, giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế cũng được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh thị trường XK khó khăn như hiện nay.

VCCI đặc biệt chú ý đến việc góp phần vào xây dựng nội dung về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc.

Với vai trò là đại diện giới sử dụng lao động tại VN, VCCI đang có nhiều hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, thúc đẩy văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp…

Kết nối giới đầu tư quốc tế

Về mặt đối ngoại, có lẽ trong mắt các tổ chức quốc tế, giới đầu tư nước ngoài, VCCI được xem là một trong những tổ chức năng động nhất ở Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ khi “mái nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp Việt luôn tiên phong và ưu tiên hàng đầu trong các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận giới đầu tư quốc tế, đưa hàng Việt tới các thị trường khắp thế giới.

Giới đầu tư quốc tế đánh giá rất cao việc VCCI chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh lớn, góp phần đưa giới đầu tư quốc tế và các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam gần nhau hơn như: Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Diễn đàn kinh tế VN, Diễn đàn DNVN – VBF

Đặc biệt, trong suốt hành trình Việt Nam đàm phán CPTPP và các FTA… VCCI đã phối hợp với các cơ quan Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình này với mục tiêu không chỉ tuân thủ cam kết mà phải vận dụng các cam kết như thế nào cho có lợi nhất cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động này đã góp phần đẩy mạnh XK và đưa các dự án đầu tư nước ngoài vào VN.

Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trong năm 2019 và những năm tới, bên cạnh các hoạt động kể trên, VCCI đặc biệt chú ý đến việc góp phần vào xây dựng nội dung về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc.

Hiện nay, khu vực tư nhân là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, chiếm 40% GDP. Chiến lược phát triển kinh tế đất nước phải xác định trọng tâm là phát triển doanh nghiệp dân tộc. “Đây là dòng chảy chính của kinh tế Việt Nam, là yêu cầu để phát triển tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, chúng ta thúc đẩy hội nhập nhưng phải chú trọng thúc đẩy và bảo vệ khu vực doanh nghiệp dân tộc” TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Để thúc đẩy khu vực này, gần đây VCCI đã quyết định thành lập Câu lạc bộ kế nghiệp, trực thuộc Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam và thành lập Mạng lưới kế nghiệp Quốc gia, thuộc Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Điều này không chỉ tạo ra một sân chơi cho thế hệ kế tiếp mà còn hỗ trợ đào tạo thế hệ trẻ, xây dựng truyền thống kinh doanh của người Việt, thoát khỏi lời nguyền “không ai giàu ba họ- không ai khó ba đời”, xây dựng các tập đoàn doanh nghiệp dân tộc vững mạnh.

Cũng cần nhắc lại, xây dựng thế hệ doanh nhân trẻ trong các doanh nghiệp gia đình được VCCI đã khởi động đầu tiên, và là hướng đi quan trọng của VCCI. Điều này tương tự như việc VCCI đã khởi động phong trào khởi nghiệp quốc gia và liên tục hoạt động hiệu quả trong suốt 16 năm qua.

Dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng nhìn lại chặng đường 56 năm trôi qua, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, người lao động VCCI có thể tự hào về những thành quả đóng góp của mình đối với nền kinh tế. Lấy đó làm động lực để tiếp bước trên con đường đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn tới.

Nhưng, nói như TS Vũ Tiến Lộc, thực hiện “sự lột xác” là trách nhiệm của chính các doanh nhân, nhưng với tư cách là tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI có vai trò quan trọng. VCCI cần có trách nhiệm hơn và sắc sảo hơn trong hoạt động tham mưu chính sách để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm có được một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch.

“Phải tận tâm và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ doanh nhân, nhất là khu vực DNNVV. Phải nỗ lực hơn trong các sáng kiến liên kết doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, để nền kinh tế VN trong tương lai không chỉ có các doanh nhân riêng lẻ mạnh mà có cả một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Đó là những nhiệm vụ quan trọng hay nói đúng hơn là sứ mệnh mà VCCI sẽ phải thực hiện để góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, bảo đảm hội nhập và cạnh tranh thắng lợi…trong giai đoạn tới” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo Quốc Anh(Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)