Việt Nam: Ba Lan là đối tác ưu tiên ở khu vực Trung Âu


Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương tại buổi làm việc với các nhà khoa học, doanh nghiệp Ba Lan

Tại buổi làm việc, phía Ba Lan cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ba Lan trong tháng đầu năm 2014 đạt 41.372.764 USD, tăng 25,19% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm qua đều tăng. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai bên.

“Hiện, các doanh nghiệp Ba Lan rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chịu lửa, vật liệu xây dựng như xi măng, bê tông, gốm sứ, thủy tinh công nghiệp. Bên cạnh đó, phía Ba Lan cũng muốn được chuyển giao công nghệ hiện đại của Ba Lan cho Việt Nam” - phía Ba Lan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho rằng, có 3 lý do Việt Nam cần hợp tác với Ba Lan: Thứ nhất, Việt Nam-Ba Lan có mối quan hệ hợp tác lâu dài (63 năm); thứ hai, hiện có nhiều cán bộ Việt Nam học ở Ba Lan có vị trí cao trong cộng đồng doanh nghiệp; thứ ba, Ba Lan hiện là thành viên của EU, Việt Nam là thành viên của ASEAN, hiện EU và ASEAN đang xúc tiến đàm phán hình thành Hiệp định thương mại tự do (FTA), theo đó Việt Nam đang trở thành một cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế tiếp cận.

Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng quan hệ tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt với Ba Lan, coi Ba Lan là đối tác ưu tiên ở khu vực Trung Âu. Phó Chủ tịch mong muốn, Ba Lan tiếp tục ủng hộ, tạo thuận lợi việc tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Ba Lan, Việt Nam - EU. Về phía VCCI sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Ba Lan đầu tư vào Việt Nam được dễ dàng.

Ở khía cạnh đào tạo Đại học, Thạc sỹ Marta Forys - Trưởng phòng hợp tác quốc tế Học viện Khoa học và Công nghệ AGH Krakow cho rằng, các trường đại học của Ba Lan có chất lượng nghiên cứu và đào tạo không thua kém các quốc gia phát triển khác trên thế giới. Việc hợp tác trao đổi sinh viên, học viên giữa Nhà trường cũng như các đại học của Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi như: Chi phí học tập ở Ba Lan rẻ, cộng đồng dân cư thân thiện, cởi mởi, bề dày truyền thống hợp tác đào tạo Việt Nam-Ba Lan trong quá khứ…

“Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước đã có thoả thuận chính thức trao đổi sinh viên hàng năm. Trên cơ sở ấy, Đại sứ quán Ba Lan ủng hộ và thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các cơ sở đại học hai nước, và bày tỏ mong muốn sẽ mở rộng các chuyên ngành đào tạo” - Marta Forys cho biết.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa VCCI và Ba Lan

Ông Đoàn Duy Khương đánh giá cao mối quan hệ trên, ông Khương cho biết trong thời gian tới VCCI sẽ tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu tiềm năng cũng như cơ hội hợp tác giữa hai nước. Phó Chủ tịch khẳng định sẽ xác định những lĩnh vực hợp tác mà hai bên có thế mạnh và tiềm năng, đề ra những biện pháp cụ thể nhằm đưa mối quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Ba Lan những mặt hàng như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; giày dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; cà phê; sản phẩm từ sắt thép; hàng dệt may; sản phẩm từ chất dẻo; sản phẩm từ cao su; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; hạt tiêu; chè; gỗ và sản phẩm gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; sản phẩm mây tre, cói và thảm;..

Trong năm 2013, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Ba Lan, chiếm 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sang tháng đầu năm 2014, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, trị giá 6.185.092 USD, tăng 28,57% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 14,9% thị phần. Mặt hàng giày dép có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai sang Ba Lan, thu về 5.158.100 USD. Cùng với mức tăng trưởng của mặt hàng giày dép, một số mặt hàng như cà phê, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm từ cao su cũng có mức tăng kim ngạch khá cao, lần lượt 127,8%, 215,18%; 438,08% góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang Ba Lan trong tháng 1/2014.

L.V