Thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam-CH Séc

(DĐDN) - Chuyến thăm của lãnh đạo Bộ Công thương và gần 20 doanh nghiệp hàng đầu của Cộng hòa Séc tại Việt Nam lần này là minh chứng cụ thể cho mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hòa Séc diễn ra ngày 21/1 do VCCI phối hợp Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội, Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải phát biểu tại Diễn đàn

Theo ông Hải, hiện nay, Cộng hòa Séc nằm trong số những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Âu. Theo số liệu năm 2012, trao đổi thương mại hai chiều đạt 242,1 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2011 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc khoảng 180,05 triệu USD, ở mức xấp xỉ kim ngạch 2011. Tuy nhiên nhập khẩu từ Cộng hòa Séc lại tăng khá ấn tượng với mức tăng 70%, đạt 62,02 triệu USD so với 37 triệu USD của năm 2011.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Cộng hòa Séc bao gồm dệt may, giầy dép, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, phương tiện vận tải… Từ năm 2011 có thêm mặt hàng điện thoại và linh kiện trong số những mặt hàng xuất khẩu chính. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Séc bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sản phẩm từ sắt thép… 

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhận định, những thế mạnh cơ bản và cũng là điểm hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp Cộng hòa Séc là sự ổn định về chính trị của Việt Nam, một nhân tố có ý nghĩa quyết định để bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài.

“Pluật của Việt Nam ngày càng hoàn thiệnphù hợp với thông lệ quốc tế và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam -Cộng hòa Séc và sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước ngày càng sâu sắc và toàn diện là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư” – ông Hải cho biết.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc có mức tăng trưởng ổn định, kể cả trong năm 2012 khi Việt Nam và các nước Châu Âu vẫn đang phải gánh chịu những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Không chỉ tổng kim ngạch mậu dịch giữa hai nước vẫn đặt mức tăng trưởng nhẹ, về hợp tác đầu tư, tính đến 15/12/2012, Cộng hòa Séc có 27 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là hơn 65 triệu USD, tập trung vào các dự án thuỷ tinh pha lê, bia, thiết bị điện, chế biến, cao lanh, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực thế mạnh của Cộng hòa Séc như là năng lượng, giao thông...

Theo phân tích của ông Lộc, mặc dù quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai cộng đồng doanh nghiệp vẫn tăng trưởng khá đều đặn qua các năm, nhưng cần phải nói rằng kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế giữa hai nước. “Với cơ chế kinh tế linh hoạt, Việt Nam có thể là một cầu nối tốt để hàng hoá của Cộng hòa Séc có thể vào thị trường các nước ASEAN. Ngược lại, Séc cũng sẽ là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam xâm nhập vào Liên minh Châu Âu” - Ông Lộc khẳng định.
Ông Martin Kuba - Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc cho rằng
 quan hệ thương mại song phương hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Đồng quan điểm với VCCI, ông Martin Kuba - Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp hai bên rằng quan hệ thương mại song phương hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông Martin Kuba, việc mở ra các cơ hội kết nối các doanh nghiệp hai bên cùng gặp gỡ, trao đổi để cùng tìm ra những dự án hợp tác hiệu quả nhất như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Cộng hòa Séc là một trong những giải pháp thiết thực nhất để thúc đẩy quan hệ giao thương, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp. Một yếu tố thuận lợi là hiện Việt Nam đang có một bộ phận dân cư lớn đã sinh sống và làm việc tại Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển, trong khi Cộng hòa Séc có đầy đủ tiềm năng và năng lực để hợp tác với Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp của Cộng hòa Séc sang đầu tư tại Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương và Ngân hàng xuất khẩu của Cộng hòa Séc.

Cũng tại diễn đàn, đại diện Cục công nghệ Cộng hòa Séc và đại diện Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác trong việc hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ giữa hai nước.

Hồ Hường