Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh

Vừa qua, tại trụ sở VCCI tại HN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã có buổi tiếp và gặp gỡ đoàn DN Bangladesh do ông  M Anis Ud Dowla – Trưởng đoàn,(Former President,  Metropolitan Chamber of Commerce and Industry, Dhaka (MCCI) dẫn đầu, nhân dịp đoàn DN Phòng thương mại quốc gia Bangladesh đến VN tham dự Hội chợ Vietnam EXPO 2012.

Các DN Bangladesh đều mong muốn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác với các DN VN. Trong dịp này, ông   M Anis Ud Dowla đã đề nghị các DNVN hợp tác với các DN Bangladesh trong một số lĩnh vực như dệt may và đóng tàu, một trong những thế mạnh của VN, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, VN có thể thuê nhân công của Bangladesh.

 

Ông M Anis Ud Dowla cũng đề xuất VCCI cùng phối hợp thành lập Hội đồng doanh nghiệp Viet Nam – Bangladesh (VN- Bangladesh Business Council) nhằm tăng cường khả năng hợp tác kinh tế và đầu tư giữa 2 nước. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hứa sẽ trình lên Thủ tướng chính phủ VN về việc này.

Theo VCCI, quan hệ thương mại Việt Nam- Băng-la-đét tuy chưa nhiều nhưng đang phát triển theo chiều hướng tốt. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng đều qua các năm: năm 2007 đạt 47,4 triệu USD, năm 2008 đạt 64,7 triệu USD, năm 2009 đạt 82 triệu USD, năm 2010 đạt 288 triệu USD. Đặc biệt, năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bangladesh đạt mức tăng trưởng khả quan với tổng kim ngạch hai chiều đạt 483,5 triệu USD, tăng 67,9% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu đạt 442,5 triệu USD, tăng 74,8%; nhập khẩu đạt 41 triệu USD, tăng 17,65%.

Thống kê cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Bangladesh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể là gạo tăng 53,35%, vải tăng 40,19%, clanke tăng 715,61%. Riêng mặt hàng clanke tuy mới thâm nhập được vào thị trường từ 2010 tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu đã lên tới gần 116 triệu USD. Một số mặt hàng mới như phân bón, phôi thép, tinh bột sắn,... đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Những mặt hàng có kim ngạch khẩu giảm như sắt thép các loại (18,35%), máy móc thiết bị, dụng cụ & phụ tùng (21,15%), chất dẻo nguyên liệu (24,96%),...

Mặt hàng gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong năm 2011. Việc thực hiện các hợp đồng trong khuôn khổ MOU về thương mại gạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bangladesh đã phát huy tác dụng thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên với việc Chính phủ Bangladesh tuyên bố ngừng nhập khẩu gạo đến tháng 06 năm 2012 do sản lượng lúa cải thiện đã khiến cho việc xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm sút những tháng cuối năm 2011 và gặp khó khăn trong năm 2012.

Các mặt hàng tân dược, nguyên phụ liệu dệt may, da & giày, sắt thép tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu từ Bangladesh. Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao là tân dược (72,92%), sợi các loại (40,74%), nguyên phụ liệu thuốc lá (67,43%). Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu từ Bangladesh là các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chế biến trong nước và có giá trị gia tăng thấp.

Qua phân tích số liêu thống kê cho thấy, triển vọng xuất khẩu sang thị trường Bangladesh năm 2012 vẫn sẽ khả quan. Mặt hàng Clanke được dự báo sẽ có mức tăng trường tốt khi các doanh nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam tiếp tục ký được các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, mặt hàng gạo sẽ gặp nhiều khó khăn do trước mắt Chính phủ Bangladesh ngừng nhập khẩu gạo đến giữa năm 2012 và sau đó nước này có thể tiến hành nhập khẩu gạo từ các nước láng giếng Pakistan và Ấn Độ thay vì Việt Nam do nguồn cung gạo đồ rất lớn từ các nước này.

Nhìn chung, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Băng-la-đét còn chưa phát triển mạnh. Hai bên đang phấn đấu đưa hợp tác kinh tế, thương mại  cũng như trên các lĩnh vực khác như nông - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch, y tế…lên tương xứng với quan hệ chính trị.

Tính đến nay, VN và Bangladesh đã ký kết một số hiệp định như: Hiệp định vận chuyển hàng không (1993); Hiệp định  hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật (1994);- Hiệp định thương mại (1996); Hiệp định thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1997); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2004);Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (05/2005); Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (2004); Nghị định thư về chương trình trao đổi văn hoá giai đoạn 2004-2007 (2004)…VCCI cũng đã ký Thoả thuận hợp tác với Liên đoàn các Phòng Thương mại-Công nghiệp Băng-la-đét (1997).

 VCCInews