APEC: Môi trường tốt để chủ động hội nhập

 
Hội nhập APEC hiệu quả

Về chính trị, Việt Nam đã nâng cao vị thế của mình và có tiếng nói mạnh hơn trên trường quốc tế. Các hội nghị thường niên cấp bộ trưởng, đặc biệt là hội nghị của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế là cơ hội quý báu cho Việt Nam tham gia vào các cuộc đàm phán song phương cấp cao và quyết định các vấn đề quan trọng của khu vực.

Về kinh tế, Việt Nam có điều kiện tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại với các thành viên APEC, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Tham gia vào APEC, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường và trong khuôn khổ APEC cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp. Do vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt cơ hội. Thông qua mạng lưới của hiệp hội tài chính trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh”.

Các hoạt động thường niên của cộng đồng doanh nghiệp APEC như Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc/ Chủ tịch công ty, Hội chợ Cơ hội Đầu tư, Đối thoại giữa các Nguyên thủ và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) đã giúp Việt Nam kết nối hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực trên cơ sở quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Ông Kurt Tong - Đại sứ APEC của Hoa Kỳ vào tháng 7/2011 đã cho biết: Các thành viên APEC chiếm hơn 50% sản lượng kinh tế toàn cầu, 50% giá trị thương mại toàn cầu và chiếm 40% dân số thế giới. Đặc biệt là 9 trong 10 những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam là ở khu vực APEC.

Theo số liệu của VCCI, APEC hiện là khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất, với 65,6% tổng số vốn đầu tư. Trong 14 đối tác đầu tư lớn nhất (trên 1 tỉ USD) vào Việt Nam thì đã có 10 đối tác thuộc APEC với tổng vốn 39,5 tỉ USD, chiếm 95,6% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của APEC  và chiếm 62,7% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của tất cả các nước vào Việt Nam.APEC là khu vực có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nước có số vốn ODA lớn nhất trong tất cả các nước và vùng lãnh thổ, và các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam.

Giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, khoảng 60% giá trị xuất khẩu và 80% giá trị nhập khẩu. 9 nước và vùng lãnh thổ có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD vào Việt Nam đều là thành viên APEC. Riêng lượng nhập khẩu từ 9 nền kinh tế này đã chiếm hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam thì APEC đã chiếm  tới 75,7% khách du lịch nước ngoài. 10/14 nước, vùng lãnh thổ có lượng khách du lịch tới Việt Nam đông nhất đều là thành viên APEC như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Nhận thức tầm quan trọng của APEC, Việt Nam đã nỗ lực trở thành một thành viên tích cực, có vai trò và uy tín trong diễn đàn, và đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của APEC. Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và Xúc tiến đầu tư trong APEC vào năm 2003. Năm 2005, Việt Nam đã chủ động tài trợ cho sáng kiến Thúc đẩy hành động của APEC sẵn sàng ứng phó với dịch cúm gia cầm. Vai trò và uy tín của Việt Nam được thể hiện rõ nét nhất qua việc các thành viên APEC thống nhất ủng hộ Việt Nam đăng cai năm APEC 2006.

Với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”, Việt Nam đã tạo được dấu ấn riêng của mình trong việc tổ chức Năm APEC Việt Nam 2006 nhằm quảng bá một hình ảnh Việt Nam năng động, cởi mở, an toàn và hội nhập, tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh thương mại và phát triển du lịch.

Hiện nay Việt Nam đã tham gia khoảng 70 thể chế đa phương ở các cấp độ khác nhau, từ toàn cầu, liên khu vực đến khu vực và tiểu khu vực. Trong số các thể chế đa phương liên khu vực, APEC được xác định là diễn đàn quan trọng, để Việt Nam phát huy vai trò, vị thế và uy tín, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác lớn trên toàn cầu

Doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội

APEC mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam như dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính và vốn tại các ngân hàng thương mại từ khu vực tư nhân và nhà nước. Các tổ chức cấp tín dụng xuất khẩu (ECAs) trong APEC đã đóng vai trò tiên phong trong việc đưa ra những sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp thông qua khảo sát nhu cầu trợ cấp xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp APEC.

Doanh nghiệp của các nước thành viên APEC còn được hưởng lợi từ nhiều chương trình hợp tác đào tạo và hỗ trợ nâng cao năng lực về kỹ năng quản trị kinh doanh, đàm phán hợp đồng, nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, v.v… Hàng năm, APEC dành một khoản ngân sách tài trợ cho các dự án hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở sáng kiến của từng nước thành viên .

Nhiều dự án đã được thực hiện trong khuôn khổ APEC nhằm xây dựng các phương thức cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực lượng thông tin tối đa với độ chính xác cao về mọi lĩnh vực, chẳng hạn như hệ thống thông tin điện tử và hệ thống chuyển phát hợp nhất. Cụ thể, thông qua mạng APEC Net và Trung tâm thông tin thương mại (APEC Service to Business), các doanh nghiệp có thể cập nhật nhiều thông tin về đối tác và thị trường.

Các nhóm làm việc về xúc tiến thương mại còn kiến tạo và giúp doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ và triển lãm thương mại trong khu vực. Ngoài ra, APEC cũng đưa ra các khuyến nghị về hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm, loại bỏ tham nhũng trong quản lý và điều hành, cải thiện môi trường chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.

APEC với 21 nền kinh tế thành viên trong đó có những siêu cường kinh tế như Mỹ, Nhật, Trung quốc, CHLB Nga cũng như những nền kinh tế mới nối lên đang làm khu vực này  trở thành khu vực năng động nhất. Các doanh nghiệp Việt nam tuy mới tham gia tham gia vào thị trường khu vực và thế giới nhưng đã thể hiện khá rõ nét bản lĩnh mạnh mẽ và năng động của mình. Với chính sách chủ động và tích cực tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế, Việt nam đang trở thành một trong những thị trường hấp dẫn về thu hút vốn đầu tư , vị thế của thị trường Việt nam trong APEC cũng ngày càng được tăng cường hơn.

Hương Ly/VCCInews