Cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư tại Đan Mạch

Tại buổi tiếp, hai bên đã đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước đồng thời bàn về công tác chuẩn bị cho Diễn đàn doanh nghiệp tại Đan Mạch vào 20/9 tới.


TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI tiếp ông John Nielsen - Đại sứ Đan Mạch (bên trái)
Theo ông John Nielsen, hiện nay số lượng các doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tương đối lớn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ.

Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp Đan Mạch đã hướng sự quan tâm tới thị trường Việt Nam, nhưng đến năm 2011, mối quan tâm này bắt đầu đi xuống do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, từ 4 - 5 tháng trở lại đây, các doanh nghiệp Đan Mạch lại bắt đầu quan tâm tới thị trường Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do họ muốn di chuyển một phần cơ sở kinh doanh của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam theo xu hướng chung của chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro tại thị trường Trung Quốc.

TS Vũ Tiến Lộc đã đánh giá cao sự đầu tư và hợp tác của các doanh nghiệp Đan Mạch đối với Việt Nam trong thời gian qua và hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư tại Việt Nam. TS Vũ Tiến Lộc cho biết, là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực thúc đẩy, tăng cường hơn nữa mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp sắp tới, dự kiến sẽ có khoảng 40-50 doanh nghiệp Việt Nam tham dự.

Trên lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại, Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu đầu tư sớm vào Việt Nam. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đan Mạch gồm dệt may, giầy dép, thủy sản, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê…và nhập chủ yếu là thiết bị điện, hoá chất, sản phẩm cơ khí, dụng cụ cắt gọt, sản phẩm sữa, nguyên liệu thô…

Đối với lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 12/2012, Đan Mạch có 103 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 625 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 98 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 7 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp của Đan Mạch đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh với 44 dự án có tổng vốn đầu tư 433,5 triệu USD; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 41 dự án có tổng vốn đầu tư 160,2 triệu USD và các doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần và hình thức BOT, BT, BTO. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là: vận tải kho bãi (9 dự án); công nghiệp chế biến, chế tạo (32 dự án); bán buôn, bán lẻ (7 dự án) và hoạt động chuyên môn khoa học, kinh doanh bất động sản.

Hiện có một số dự án đầu tư, liên doanh tiêu biểu của Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam là nhà máy bia Đông Nam Á (79,6 triệu USD); Công ty bia Huế (48,6 triệu USD); Công ty TNHH Sonion sản xuất sản phẩm công nghệ âm thanh siêu nhỏ, vi cơ điện tử (25 triệu USD)....

Để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, VCCI cũng đã hợp tác với Chính phủ Đan Mạch tổ chức nhiều chương trình hoạt động như tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ và khảo sát thị trường Đan Mạch; các diễn đàn hợp tác song phương; tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng lãnh đạo Chính phủ cấp cao... nhằm tạo ra các cơ hội hợp tác, đầu tư, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch.

N.P