Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam ra mắt Sách Trắng

Sách Trắng là cầu nối góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam

Đây là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại Lễ trao Sách Trắng của Tổng hội Thương gia Đài Loan tại Việt Nam, được tổ chức mới đây.

Việt Nam chiếm 30% tổng vốn đầu tư tại châu Á của DN Đài Loan

Đánh giá cao vai trò Sách Trắng của Tổng Hội thương gia Đài Loan, Chủ tịch VCCI nhận định, "Sách Trắng là một công trình công phu và có ý nghĩa quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam, những nhà thực thi chính sách, VCCI và cộng đồng DN Việt Nam trong việc góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam".

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI kì vọng, Sách Trắng sẽ được xuất bản thường niên.

“Sách Trắng tổng hợp nhiều khuyến nghị của DN Đài Loan, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính Phủ, tôi sẽ báo cáo một cách đầy đủ các khuyến nghị của DN Đài Loan, hướng tới việc xem xét, tìm hướng giải quyết những khuyến nghị một cách hiệu quả”, TS.Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.

Chủ tịch VCCI cũng kỳ vọng, Sách Trắng sẽ được sản xuất mang tính thường niên trong những năm tới. Bởi, đây là căn cứ quan trọng tác động tới quyết định đầu tư mới của DN Đài Loan vào Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, Ông Richard R. C. Shih, Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ, "Nhiều thành viên trong Hiệp hội của chúng tôi đã luôn trăn trở câu hỏi: làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan có thể mở rộng hợp tác và đầu tư hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là mối liên kết giữa DN trong nước và DN Đài Loan được chặt chẽ. Sách Trắng ra đời từ đó".

Đây là ấn phẩm đầu tiên mà DN Đài Loan đầu tư ra nước ngoài gửi đến Chính phủ nước sở tại thể hiện mong muốn hợp tác chặt chẽ giữa DN Đài Loan và Chính phủ Việt Nam, ông Shih cho biết thêm.

Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam chiếm 30% toàn khu vực châu Á. Điều này thể hiện sự quan tâm của DN Đài Loan tới môi trường kinh doanh ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam nhờ chính sách phát triển đầu tư kinh tế hướng Nam của Đài Loan.

Đẩy mạnh đầu tư toàn diện

ấn phẩm đầu tiên mà DN Đài Loan đầu tư ra nước ngoài gửi đến Chính phủ nước sở tại

Sách Trắng là ấn phẩm đầu tiên mà DN Đài Loan đầu tư ra nước ngoài gửi đến Chính phủ nước sở tại

Cộng đồng DN Đài Loan mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, trong đó chú trọng đến giáo dục, du lịch, phát triển năng lượng sạch và công nghệ cao. Đặc biệt phải kể đến việc liên kết ngành nghề giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Toàn cảnh Lễ ra mắt Sách Trắng của Tổng Hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam

Toàn cảnh Lễ ra mắt Sách Trắng của Tổng Hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam

Hiện nay, trong khu vực ASEAN, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam với sự hiện diện ở 54/63 tỉnh thành của Việt Nam. Theo đó, những lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Đài Loan vào Việt Nam đó là công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu. Phần lớn DN Đài Loan đâu tư và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là có lãi và đang không ngừng mở rộng đầu tư.

Ông Lee Tien Chi, Chủ tịch Tổng hội thương gia Đài Loan thế giới cho biết, "Ở Việt Nam, DN Đài Loan đang hoạt động theo hai mô hình đó là sản xuất để tiêu thụ tại thị trường nội địa và sản xuất để xuất khẩu. Điều này không chỉ góp phần tạo giá trị gia tăng cho DN Đài Loan mà cũng tạo việc làm, giúp xoá đói giảm nghèo và góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là cơ sở để DN Đài Loan mở rộng đầu tư hơn nữa trong thời gian tới".

Song, cũng có một kiến nghị tôi cho rằng nên nói ở đây, đó là xem xét việc nới lỏng việc sử dụng chuyên gia, cán bộ kĩ thuật là người nước ngoài, Ông Tien Chi, cho biết thêm.

Ông lý giải, hiện nay, "DN Đài Loan mong muốn đẩy nhanh tiến trình chuyển giao công nghệ và nâng cao năng suất của người lao động nên bắt buộc phải thuê chuyên gia là người nước ngoài. Thực sự việc thuê này rất tốn kém và DN Đài Loan không hề muốn. Tuy nhiên việc yêu cầu chuyên gia kĩ thuật phải có bằng tiến sỹ, thạc sỹ là điều chưa thật sự phù hợp với yêu cầu công việc trong ngành công nghiệp chế tạo. Bởi ngành này, chỉ cần chuyên gia có tay nghề và kinh nghiệm là đáp ứng được yêu cầu của DN Đài Loan".

Đây chỉ là một trong số nhiều khó khăn mà DN Đài Loan góp ý, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Môi trường đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc đã không còn ưu việt, vì vậy, Đài Loan thật sự mong muốn đầu tư vào Việt Nam như một lựa chọn ưu tiên hàng đầu, bởi những nét tương đồng về văn hoá và sự phát triển kinh tế trong lịch giữa hai bên, ông Tien Chi cho biết thêm.

Thống kê sơ bộ từ tổng cục Hải Quan Việt Nam, tính đến tháng 4/2017, Việt Nam đã xuất khẩu sang Đài Loan 769 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan chủ yếu các mặt hàng như điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, máy móc thiết bị, sắt thếp, rau quả, gạo, hạt điều... Trong đó, các mặt hàng điện thoại và linh kiện là chủ lực, chiếm 14,4% tổng kim ngạch,đạt 111,1 triệu USD, tăng 55,37% so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 15,36%, đạt 66,1 triệu USD, kế đến là hàng dệt may tuy nhiên tốc độ xuất khẩu sang Đài Loan giảm 20,56%, tương ứng với 63,7 triệu USD…

Theo Ngọc Hà - Quốc Tuấn(Báo DĐ DN)