Thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Nguyên nhân gây khó doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

ca
Cán bộ Hải quan Đà Nẵng kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu.

KTCN lãng phí, kém hiệu quả

KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) lâu nay luôn là “nút thắt” trong cải cách thủ tục hành chính, theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa thì KTCN chiếm tới 72%, làm tăng chi phí của DN. Theo cơ quan hải quan, hiện nay, tỷ lệ lô hàng phải KTCN trước

khi thông quan còn rất cao (khoảng 30%), trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp, chỉ dưới 1%. Nghị quyết 19/NQ-CP đã  yêu cầu “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% vào năm 2016”. Tuy nhiên, mục tiêu này đến nay chưa đạt được, khiến cho DN bức xúc.

Đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay, KTCN quá mức cần thiết đang là lực cản cơ bản đối với nỗ lực cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới”, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng quá mức đối với DN. Dẫn chứng cho vấn đề này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho hay, năm 2016, tại đơn vị chỉ phát hiện 30/67.224 lô hàng (chiếm 0,04%) không đạt yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo đại diện Công ty CP Giấy Sài Gòn, khó khăn lớn nhất của DN trong hoạt động  XNK không thuộc về thủ tục hải quan, mà phần lớn về quản lý chuyên ngành. DN nhập nguyên liệu để sản xuất giấy vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước, vừa xuất khẩu, với số lượng xuất khẩu khoảng

100 - 120 container/tháng. Tuy nhiên, nguyên liệu giấy nhập khẩu (NK) lại có chung mã HS là phế liệu, nên toàn bộ hàng hóa bị phân vào luồng Đỏ, phải giám định, kiểm tra thực tế 100% theo quy định. Theo đó, trước khi mở tờ khai hải quan, DN phải gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý chuyên ngành, thời gian chờ đợi phản hồi khá lâu, chỉ chờ giấy thông báo môi trường trung bình DN mất từ 2 - 3 ngày, lâu đến 1 tuần. “Một lô hàng NK, DN đóng cho ngân sách nhà nước 10% thuế giá trị gia tăng, nhưng phải tốn 20% cho việc ký quỹ về quản lý chuyên ngành, nên ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DN”, đại diện Công ty CP Giấy Sài Gòn chia sẻ.

Hơn 50% văn bản KTCN cần được sửa đổi

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một trong những vấn đề gây nên bất cập, vướng mắc trong công tác KTCN, khiến cho DN “kêu ca” là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý và đổi mới phương pháp KTCN đối với hàng hóa XNK.

Hiện các bộ, ngành cũng đã có sự quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản thuộc lĩnh vực quản lý và KTCN. Một số văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế mới đã được ban hành và đã đưa nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong việc quản lý và KTCN. Một số văn bản qua rà soát không còn phù hợp đã được bãi bỏ.

Tuy nhiên theo kết quả rà soát của Bộ Tài chính, đến 30/3/2017 có tới trên 50% số văn bản quy phạm pháp luật về KTCN của các bộ cần phải sửa đổi, bổ sung đều chưa đảm bảo về thời gian và yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, giải pháp đổi mới phương pháp KTCN theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XNK giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan cũng còn nhiều mặt chưa được. Một số danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN do các bộ quy định còn nhiều, phạm vi rộng; trong đó nhiều mặt hàng chưa có mã HS, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ để thực hiện việc kiểm tra (Ví dụ: Thông tư số 50/2009/TT-BNNPTNT, Thông tư 50/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư 44/2011/TT-BYT của Bộ Y tế…).

Nhiều mặt hàng NK phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Đáng chú ý, việc KTCN thực hiện chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng đúng bản chất của phương pháp quản lý rủi ro trong lĩnh vực KTCN (vẫn kiểm tra theo lô hàng).

Một số bộ quản lý chuyên ngành đã quy định việc miễn, giảm, kiểm tra hồ sơ trong công tác KTCN đối với hàng hóa XNK. Tuy nhiên, hàng thuộc đối tượng KTCN vẫn phải chờ có thông báo đạt kết quả KTCN mới được thông quan./.

Để đạt các mục tiêu tạo thuận lợi cho DN XNK nêu tại Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được nêu trong Quyết định 2026/QĐ-TTg.
Theo Ngọc Linh(Thời báo tài chính)