Trâu chậm, nước trong

Cuối năm 2016, liên tiếp người dân phản ứng bằng cách tổ chức chặn cổng ra vào, không cho hai nhà máy này hoạt động. Chính quyền địa phương, thậm chí đích thân Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đến tận hiện trường khảo sát hiện trạng và công nhận tình trạng ô nhiễm, gây khó khăn rất nhiều cho đời sống người dân.

UBND huyện Hòa Vang, trả lời báo chí cho biết, hai Nhà máy Thép Dana - Ý và Dana - Úc thời gian qua gây ô nhiễm môi trường là do công nghệ lạc hậu. Cuối tháng 4 vừa qua, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phát hành thông báo giải quyết. Tinh thần văn bản này dựa trên nội dung kết luận của UBND thành phố trong cuộc họp tháng 12.2016. Tuy vậy, nội dung văn bản này lại đầy mâu thuẩn. Thứ nhất: “Thống nhất chủ trương di dời các hộ dân tại khu vực lân cận hai nhà máy thép… Thời gian thực hiện trong năm 2017 và 2018”.

Thứ hai là “cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời. Trong thời gian được phép tồn tại, phải có giải pháp nâng cấp công nghệ để giảm bớt ô nhiễm môi trường; sau đó thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường”. Cuối công văn, Sở Xây dựng Đà Nẵng còn cho biết lộ trình UBND thành phố giao cho các đơn vị có liên quan họp dân, chọn đất, bố trí tái định cư cho các hộ dân… đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp làm việc với hai Công ty CP Thép Dana - Ý và Dana - Úc khẩn trương có văn bản cam kết với thành phố về kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án... trước khi thực hiện việc di dời, giải tỏa các hộ dân.

Nội dung chính của hai chỉ đạo trong thông cáo của UBND Đà Nẵng gửi đến báo chí xem chừng có nhiều ẩn tình. Trước hết, kết luận là buộc hai nhà máy phải có giải pháp đầu tư nâng cấp công nghệ để giảm ô nhiễm môi trường, trong tư thế “sau đó chuyển đổi công năng sử dụng sang các loại hình công nghiệp nhẹ” là yêu cầu gần như bất khả thi, vì chẳng ai đi bỏ một đống tiền vào đầu tư để làm một việc; sau lại chuyển sang làm một việc khác và cuối cùng phải di dời. Hơn hết, nếu chuyển nhà máy gây ô nhiễm đi rồi thì di dời cả làng đi nơi khác làm gì cho tốn kém, gây bất ổn cho đời sống người dân. Phải chăng đây là biện pháp “đuổi gà qua đám giỗ” để làm yên lòng dư luận?

Đà Nẵng chọn công nghiệp dịch vụ và du lịch làm mũi nhọn; thép chưa bao giờ được coi là ngành quyết định sống còn của kinh tế địa phương. Hơn thế vạn bất đắc dĩ, chịu đựng ô nhiễm không xiết, dân mới nén lòng mà rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mà đi, trong khi hai nhà máy thép mới đến và tổ chức hoạt động từ năm 2008 lại được “ưu ái” giữ lại. Hy sinh lợi ích của ngàn người dân để giữ quyền lợi cho vài người, điều đó trái với cách nghĩ của ông bà ta lâu nay - “trâu chậm” nhưng lại được uống “nước trong”.

Theo Báo Lao động