Hợp tác với Ấn Độ: Doanh nghiệp Việt sẽ được hưởng nhiều lợi

Tại hội thảo, ông Võ Tân Thành - Giám đốc VCCI - HCM cho biết trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Hai bên nhất trí lấy năm 2012 là Năm Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ để kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (7/1/1972-7/1/2012) và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (6/7/2007-6/7/2012). Phía Ấn Độ cũng sẽ tổ chức “Năm Ấn Độ ở Việt Nam” trong năm 2012 với nhiều sự kiện văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, ẩm thực và tranh ảnh ở nhiều thành phố của Việt Nam.

 

 

Cùng với hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh – quốc phòng, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng khá nhanh, từ 72 triệu USD năm 1995, lên trên 1 tỷ USD năm 2006. Vào năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm 2009 và trong năm 2011 thương mại song phương đã đạt tốc độ tăng trưởng 42%, đạt 3,9 tỷ USD (xuất khẩu của Ấn Độ tăng 33% và xuất khẩu của Việt Nam tăng 57%). Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam là nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, điện thoại di động, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may và da, vải các loại… Hiện nay, Ấn Độ đang được xếp trong danh sách 20 nước là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và một trong 10 nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam.

 

Có thể thấy thời gian gần đây kim ngạch thương mại hai chiều giữa giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng tốt và thâm hụt thương mại của Việt Nam bước đầu giảm xuống. Dự kiến, năm 2015 kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt 7 tỷ USD và phấn đấu giảm tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam. Ông Thành mong muốn trong thời gian tới Ấn Độ luôn tạo các điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường của Ấn Độ, từng bước cân bằng cán cân thương mại Việt-Ấn.

 

Bộ trưởng Bộ Thương mại - Công nghiệp và Dệt Ấn Độ - ông Anand Sharma cho biết tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ còn rất lớn. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, ông sẽ đề xuất với Chính phủ Việt Nam thành lập một Ủy ban cấp vụ để giải quyết các vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, dược phẩm… Bộ trưởng Anand Sharma bày tỏ mong muốn được tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, dược phẩm, năng lượng…

 

Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM – ông Abhay Thakur cho biết, đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam lần này có nhiều doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực thiết bị nông nghiệp, nguyên liệu dược, kim loại, cơ khí, hàng tiêu dùng, xe máy các loại…Ấn Độ muốn nâng tầm mối quan hệ chiến lược hợp tác song phương với Việt Nam lên tầm cao mới, đồng thời xem Việt Nam là cửa ngõ quan trọng tại khu vực biển Đông. Ông Abhay Thakur khẳng định mục tiêu7 tỷ USD giá trị thương mại song phương vào năm 2015 sẽ dễ dàng đạt được bởi lẽ Hiệp định Thương mại tự do về hàng hóa Ấn Độ - ASEAN đã được triển khai. Đặc biệt Việt Nam và Ấn Độ cũng đã ký nhiều hiệp định quan trọng như tránh đánh thuế hai lần, bảo hộ đầu tư…

 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Lê Mạnh Hà cho biết, hiện TP.HCM thu hút khoảng 35% tổng số dự án đầu tư nước ngoài, tại diễn đàn kinh tế lần này, các doanh nghiệp Ấn Độ có điều kiện tìm hiểu về nhu cầu thị trường, môi trường đầu tư của Thành phố và góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. Để nâng cao hiệu quả phát triển, TP.HCM sẽ chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, tăng cường giao thương với các nước trên thế giới, trong đó có Ấn Độ. Chính quyền Thành phố cũng sẽ nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng vấp; kiến tạo môi trường thông thoáng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động đạt hiệu quả cao, phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn của của các doanh nghiệp Ấn Độ trong thời gian tới.

 

Bình Nguyên