Việt– Trung: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ khí

9 tháng đầu năm 2010, kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt trên 20,6 tỷ USD

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Quang Thịnh- Phó ban Quan hệ Quốc tế VCCI cho biết, theo thống kê, trong giai đoạn 2000-2010, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc không ngừng tăng nhanh với tốc độ trung bình 32%/năm. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhưng kim ngạch thương mại 2 nước vẫn đạt 21,35 tỷ USD, tăng 5,04% so với năm 2008. 9 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch song phương đạt trên 20,6 tỷ USD, tăng lũy kế 44,1% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 15,6 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 5 tỷ USD.

Về đầu tư, hiện nay Trung Quốc đã có 743 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 15 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hầu hết các dự án đang được triển khai thuận lợi và thành công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp 2 nước.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, kết quả này chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị và hợp tác hữu nghị tốt đẹp, với tiềm năng và lợi thế cũng như mong muốn của Chính phủ và nhân dân 2 nước.

Đặc biệt, năm 2010 là năm có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ 2 nước bởi đây là năm 2 nước kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung và là “Năm hữu nghị Việt- Trung” đầu tiên do lãnh đạo 2 nước xác định. Đồng thời, năm nay cũng là năm khu vực tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) chính thức thực hiện với cam kết giảm thuế mạnh mẽ đối với Trung Quốc và các nước ASEAN, theo đó hàng loạt các mặt hàng sẽ có thuế nhập khẩu từ 0-5%, bao gồm cả các dòng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. “Chính vì vậy, doanh nghiệp 2 bên cần tranh thủ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hơn nữa, hợp tác cả về thương mại, đầu tư, liên doanh sản xuất.... Điều này, một mặt mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp hai nước, mặt khác đóng góp vào sự thịnh vượng chung của 2 nước Việt Nam – Trung Quốc” – ông Thịnh khuyến nghị.

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ khí

Hiện nay, nhu cầu về cơ khí, máy móc công trình tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là việc hợp tác trong ngành công nghiệp phụ trợ.  

Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển các ngành cơ khí. Vì vậy, Hiệp hội mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy hoặc hợp tác liên doanh với các nhà sản xuất cơ khí Việt Nam để cùng đấu thầu những dự án lớn.

Ông Thụ cũng khuyên các doanh nghiệp Trung Quốc mở trung tâm sửa chữa tại Việt Nam để tiện cho việc duy tu, bảo dưỡng những sản phẩm đã cung cấp cho thị trường Việt Nam trước đây. “Điều này không chỉ có lợi cho cả doanh nghiệp Việt Nam mà còn đối với doanh nghiệp Trung Quốc vì doanh nghiệp Trung Quốc có thể bảo trì những máy móc đã xuất khẩu sang Việt Nam, còn người tiêu dùng Việt Nam thì yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm của Trung Quốc” – ông Thụ khẳng định.

Ông Thụ cũng khẳng định, Hiệp hội sẽ luôn sẵn sàng tìm và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp 2 nước hợp tác trong lĩnh vực cơ khí, máy móc, thiết bị được thuận lợi.

Cùng quan điểm với ông Thụ, đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc, ông Lý Đô Văn - Chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn Tập đoàn Lục kiến Sơn Tây, Trung Quốc cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất mong muốn và hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác vì sự phát triển của 2 nước nói chung.

Hồ Hường