KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ: MỘT SỐ QUY ĐỊNH CẢN TRỞ TÍNH CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP (KỲ 1)

Khó phân biệt giữa xe hợp đồng và xe du lịch

Bản góp ý của VCCI cho hay, Điều 7, 8 Nghị định 86 quy định về đặc điểm của “kinh doanh vận tải vận tải hành khách theo hợp đồng” và “kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô ô”. Tuy nhiên VCCI cho rằng, việc phân biệt hai loại hình kinh doanh này như Dự thảo cần xem xét lại bởi, về bản chất, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô cũng là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (bằng ô tô), chỉ có điều đối tượng được chuyên chở là “khách du lịch” chứ không phải khách nói chung mà thôi. Từ góc độ mục tiêu quản lý (bảo vệ hành khách) thì không có cơ sở khách quan nào để phân biệt các điều kiện kinh doanh áp dụng vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và vận tải hành khách nói chung theo hợp đồng.

VCCI cho rằng quy định về giới hạn quy mô tối thiểu của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải là chưa hợp lý.

Nếu vì lý do cần bảo vệ tốt hơn cho khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài (với suy đoán rằng nhóm khách này không có được các điều kiện để tự bảo vệ mình ở mức tương đương với khách là người bản địa) như một số nước đang áp dụng thì Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (cơ quan quản lý chuyên ngành) có thể đặt thêm các điều kiện riêng đối với xe ô tô vận chuyển khách du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý du lịch có quy định điều kiện này thì đây sẽ chỉ là các điều kiện áp dụng cho xe ô tô khi các xe đó sử dụng cho mục đích chở khách du lịch nước ngoài (chứ không phải áp dụng thường xuyên – liên tục cho loại ô tô đó), và không thể là một loại hình kinh doanh riêng mà Bộ Giao thông Vận tải quản lý trong khuôn khổ Nghị định này.

Cũng theo VCCI, trong bản thân Điều 7, Điều 8 Nghị định 86 thì các quy định cũng không làm rõ được sự khác biệt giữa hai hình thức này (đều là không theo tuyến cố định, được thực hiện theo hợp đồng).

VCCI nêu thực tế, các doanh nghiệp có xe sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì cứ có khách thuê xe theo hợp đồng là doanh nghiệp nhận, chứ ít khi nào doanh nghiệp chỉ chọn nhận khách là/không là khách du lịch.

Trong khi đó, về pháp luật, quy định tại Điều 8 Dự thảo cũng không thống nhất với các quy định về điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch được quy định tại Điều 57, 58 Luật Du lịch năm 2005.

“Ngay bản thân nội dung trong Tờ trình cũng phản ánh về việc khó phân biệt được xe hợp đồng và xe du lịch. Và vì xe du lịch có nhiều điều kiện hơn nên doanh nghiệp đã đăng ký xe hợp đồng thay vì xe du lịch và sử dụng xe này để vận chuyển khách du lịch. Điều này cho thấy việc phân biệt hai loại hình kinh doanh này trong Nghị định 86 là ít ý nghĩa” – Bản góp ý của VCCI khẳng định.

Mặc dù Khoản 8, 9 Điều 1 Dự thảo có sửa đổi quy định về “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” và “kinh doanh vận tải hành khách du lịch” tại khoản 1, 2, 3 Điều 7, khoản 1, 2, 3 Điều 8 Nghị định 86 tuy nhiên VCCI cho rằng, những sửa đổi này cũng không làm nổi bật hơn đặc thù của hai hình thức kinh doanh này và cũng không làm cho việc phân biệt hai loại hình kinh doanh này có ý nghĩa hơn và giải quyết được tình trạng, xe hợp đồng sẽ hoạt động như xe du lịch mà không đăng ký là xe du lịch.

Do đó, để đảm bảo phù hợp với thực tế, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ôtô tại Điều 8 Nghị định 86.

Cản trở tính cạnh tranh của doanh nghiệp

Cũng theo VCCI, theo quy định tại khoản 4 Điều 15, khoản 4 Điều 16, khoản 7 Điều 17, khoản 4 Điều 18, khoản 2 Điều 19 Nghị định 86 yêu cầu về số lượng xe tối thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; bằng xe buýt; bằng xe taxi; theo hợp đồng; vận tải khách du lịch bằng xe ô tô. Khoản 18, 16, 18, 19 Điều 1 Dự thảo có sửa đổi các quy định này của Nghị định 86, tuy nhiên lại không sửa đổi về yêu cầu số lượng xe tối thiểu.

Trong các văn bản trước đây khi góp ý Nghị định 86 đang ở dạng Dự thảo, VCCI đã nhiều lần nêu ý kiến liên quan đến quy định về giới hạn quy mô tối thiểu của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải và cho rằng quy định này là chưa hợp lý, có tính chất cản trở tính cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường vận tải. Đối với Dự thảo và Tờ trình Dự thảo này, VCCI tiếp tục cho rằng quy định về số lượng xe tối thiểu là không hợp lý bởi ít nhất các lý do sau:

Thứ nhất, quy định về điều kiện số lượng tối thiểu phương tiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi tham gia vào hoạt động kinh doanh sẽ dẫn tới hệ quả chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thì mới được quyền tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong khi đó, trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, quy mô/năng lực tài chính của doanh nghiệp không phải là “bảo chứng” trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn của phương tiện khi lưu thông. Việc áp đặt điều kiện về quy mô sẽ tạo ra rào cản và phân biệt một cách bất hợp lý giữa các đối tượng khi gia nhập vào thị trường trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

VCCI cho rằng, giải pháp áp đặt về quy mô chỉ thích hợp nếu có số liệu thống kê rõ ràng chứng minh rằng đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ là nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn đáng kể so với doanh nghiệp có quy mô lớn, những doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ đảm bảo được chất lượng dịch vụ cũng như sự an toàn của các phương tiện khi lưu thông. Tuy nhiên hiện không có số liệu nào đáng tin cậy được đưa ra.

Ngay cả trong Tờ trình phần về giải trình “thực hiện quy mô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải” cũng chỉ ra số lượng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh vận tải chiếm tỷ lệ khá cao và “theo lộ trình quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì hầu hết các đơn vị này sẽ không thực hiện được quy định về quy mô, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Thông tin này cho thấy, quy định về quy mô trong Nghị định 86 đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp quy mô bé và các doanh nghiệp này khó có thể đáp ứng được yêu cầu về quy mô này. Bản thân đề xuất sửa đổi lộ trình thực hiện quy định về quy mô này trong Dự thảo cũng không khả thi bởi trong gần 02 năm thực hiện Nghị định 86 số đơn vị đáp ứng điều kiện về quy mô này là rất ít (theo Tờ trình), vậy liệu trong 02 năm tới (theo lộ trình Dự thảo là từ nay đến hết 2018) có đủ để gần 17.8 nghìn đơn vị (chiếm 72,2% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải – theo Tờ trình) đang có dưới 5 xe gia tăng số xe để đáp ứng quy định về số lượng xe tối thiểu không? Nếu không thì các đơn vị này buộc phải ngừng kinh doanh? Các tác động của việc ngừng kinh doanh đồng loạt này đã được tính đến chưa? Với tình trạng như hiện nay, chắc chắn 02 năm nữa tình hình cũng sẽ không có thay đổi lớn. Vậy khi đó lại tiếp tục sửa đổi Nghị định để mở rộng thêm lộ trình? Pháp luật như vậy liệu còn ý nghĩa không?

Thứ hai, một số ý kiến cho rằng “các quy định về quy mô cũng góp phần thúc đẩy chất lượng dịch vụ, đảm bảo người dân được hưởng các dịch vụ tốt hơn trong quá trình vận chuyển”, “yếu tố về quy mô cho phép doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thông qua số lượng phương tiện hoạt động trên tuyến. Nếu không đưa ra các yếu tố về quy mô sẽ xảy ra trường hợp đơn vị vận tải chỉ có 1 hoặc 2 xe hoạt động trên 1 tuyến xe buýt thì không thể đáp ứng được yêu cầu về tần suất hoạt động và thời gian giãn cách tối thiểu 30 phút/chuyến và tổng số chuyến/ngày; hoặc một đơn vị vận tải tuyến Bắc – Nam chỉ có số lượng xe nhỏ sẽ không đảm bảo được việc số chuyến xe chạy/tháng, không đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời trong quá trình hoạt động nếu có sự cố thì không có phương tiện thay thế …”.

Về mặt bản chất, các vấn đề như vậy đều là vấn đề của thị trường. Nếu thị trường có nhu cầu, doanh nghiệp tự biết cách đáp ứng để phát triển, thu lợi nhuận lớn hơn. Nếu  người tiêu dùng có nhu cầu cao về chất lượng, doanh nghiệp sẽ tự mình phải cải thiện dịch vụ để cạnh tranh và tồn tại. Nếu đúng là quy mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì cũng theo logic này, doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ bị đào thải tự nhiên mà không cần sự can thiệp của Nhà nước trong việc quy định quy mô tối thiểu.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bỏ các quy định về giới hạn quy mô trên tại Nghị định 86. Tương ứng, đề nghị bỏ khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định về lộ trình phải áp dụng quy mô tối thiểu.

Theo Nam Phong(Báo DĐ DN)