Xuất khẩu nông sản: Vượt qua thách thức, rủi ro để vực dậy tăng trưởng

Nhận diện rủi ro từ lừa đảo thương mại xuyên quốc gia

Thực tế cho thấy, việc các công ty xuất khẩu mất trắng hàng trăm tỷ đồng không phải là câu chuyện hiếm gặp, mà từng xảy ra khá nhiều xưa nay. Do đó, Bộ Công thương và các hiệp hội, ngành hàng đã phát đi nhiều cảnh báo về các giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận trong thời gian qua. Cụ thể như lừa đảo làm giả giấy tờ, thậm chí làm giả giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu, sử dụng hacker xâm nhập để chiếm đoạt tiền...

Vụ lừa đảo 36 container hạt điều xuất khẩu sang Ý là hồi chuông cảnh báo cho doanh nghiệp. Ảnh: TL

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Tính đến nay, toàn quốc có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà doanh nghiệp phải đối mặt với không ít rủi ro.

Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) vừa thông tin, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh "Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc - Certificate of GACC Registration" kèm mã QR có link đến địa chỉ https://www.aqsiq.net có nội dung chứng nhận mã số đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc. Theo đó, đơn vị này khẳng định, chưa nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về biểu mẫu giấy chứng nhận đăng ký trên, đó là mẫu giả mạo, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.

Bên cạnh đó, các thị trường châu Mỹ, châu Phi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong giao dịch, khiến nhiều doanh nghiệp mất trắng đơn hàng. Đơn cử, mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đồng loạt gửi thông tin cảnh báo đến các doanh nghiệp hội viên sau khi Thương vụ Việt Nam tại Algeria có công điện cảnh báo lừa đảo khi xuất khẩu sang thị trường này.

Cụ thể, cuối năm 2022 có một công ty Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một doanh nghiệp đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan vì bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại trước đó.

Từ sự việc này, Vinacas đã gửi thông tin cảnh báo đến các hội viên và khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lạ từ các thị trường mới.

“Doanh nghiệp cần thận trọng với các yêu cầu giao dịch và hồ sơ điện tử mà đối tác gửi; cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu trang có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty và nhờ các cơ quan chức năng thẩm tra; không nên quá tin tưởng vào công ty môi giới dù làm việc lâu năm và cần kiểm tra thông tin đối tác nhập khẩu; nếu tiến tới giao kết hợp đồng thương mại, doanh nghiệp cần chọn phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận hoặc nhờ thu qua ngân hàng (DP, CAD at sight) yêu cầu khách đặt cọc từ 20% trở lên” - Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị.

Linh hoạt ứng phó, vực dậy tăng trưởng nửa cuối năm

Chia sẻ thêm về những khó khăn của doanh nghiệp ngành Nông nghiệp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho hay, thời gian qua, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở mức khá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Nhà nước cần nhanh chóng có giải pháp cụ thể về chính sách tín dụng cho doanh nghiệp ngành Nông nghiệp, tạo điều kiện cho họ vay vốn để duy trì và phát triển sản xuất” - ông Nam nhấn mạnh.

Xuất khẩu nông sản: Lắm thách thức, nhiều rủi ro, doanh nghiệp lo âu

Xuất khẩu gỗ ế ẩm, doanh nghiệp mòn mỏi chờ từng đơn hàng. Ảnh: TL

Trong 4 tháng đầu năm 2023, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản giảm, song nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng cao như gạo tăng 54,5%, rau quả tăng 19,4%; sắn tăng 26,3%...

Đáng chú ý, nửa cuối năm được nhận định nhu cầu tiêu dùng của thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn. Đó là cơ hội tốt để xuất khẩu nông sản nói chung và nhóm hàng đang giảm nói riêng lấy lại đà tăng trưởng. Các doanh nghiệp cần linh hoạt nhắm vào thị trường tiềm năng, đơn cử như tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu những trái cây đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; xuất khẩu thủy sản, nông sản chế biến sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Bàn về giải pháp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bù đắp sự suy giảm trong nửa cuối năm 2023, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh, doanh nghiệp nên tập trung tìm kiếm thị trường, chia nhỏ các phân khúc theo nhu cầu và linh hoạt đáp ứng thứ mà thị trường cần; chủ động nghiên cứu để tận dụng hiệu quả các lợi thế từ những thỏa thuận thương mại đã ký kết, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, nắm bắt tốt thông tin thị trường nhập khẩu, vượt qua hàng rào thuế quan, hạn chế rủi ro... để tăng trưởng hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

"Bộ Công thương sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan và cơ quan chức năng, địa phương để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, đa dạng các thị trường cho các nhóm, ngành hàng nông sản. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ thông tin thị trường, cảnh báo sớm các rủi ro và tiếp tục hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở các thị trường trên thế giới. Với những nỗ lực không ngừng từ phía cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp, chúng ta vững tin, xuất khẩu nông sản sẽ vực dậy đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay” - ông Hải nói.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, sẽ tổ chức các hoạt động như: Đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản; tổ chức Diễn đàn “970” kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường EU; chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh (nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh)...

Theo Tố Uyên (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-nong-san-vuot-qua-thach-thuc-rui-ro-de-vuc-day-tang-truong-128566.html