Nhiều quy định mới tăng hiệu lực kiểm soát

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Trong đó, một trong những nội dung mới được đưa vào luật lần này là bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đó là các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng... Điều này nhằm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành đúng thời điểm nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành đúng thời điểm nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng đã bổ sung quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, định kỳ 5 năm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền.

Một trong những điểm đáng chú ý khác là việc quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng. Trong đó, văn bản luật lần này đã bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh…

Đáp ứng những yêu cầu thay đổi nhanh của thực tiễn

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành đúng thời điểm nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng tăng tốc mạnh. Do đó, việc luật ra đời thời điểm này sau 10 năm áp dụng văn bản luật cũ được giới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể các rủi ro đến từ các tội phạm công nghệ. Ngoài ra, luật cũng có những quy định mở để tạo sự linh hoạt trong việc đáp ứng các thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế.

Theo ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã có các quy định bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai. Cụ thể, nội dung có quy định giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được quy định tại Luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền mới ban hành cũng đã bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền:

• Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền. Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.

• Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.

• Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng.

• Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

• Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

• Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

“Các quy định này sẽ tạo cơ sở để các cơ quan quản lý rà soát, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền đối với các hoạt động mới phát sinh để đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung thêm hoạt động của đối tượng báo cáo, tạo sự chủ động và đảm bảo quy định của luật theo kịp tình hình thực tiễn” - ông Đôn chia sẻ.

Trong thời gian tới, Luật Phòng, chống rửa tiền, dự kiến sẽ được cụ thể hóa bởi 3 văn bản hướng dẫn, bao gồm: nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và thông tư của NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.

Đại diện NHNN cũng cho biết đang phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành các văn bản quy định chi tiết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, NHNN đã xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết luật và đang tổ chức lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản này, đảm bảo thời hạn ban hành để các văn bản này có hiệu lực cùng thời điểm của luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Theo Chí Tín (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-so-phap-ly-moi-de-thi-truong-tien-te-hoat-dong-lanh-manh-hon-118188.html