Tiền lương thực tế liên tục giảm, Thủ tướng Nhật Bản sốt sắng triển khai gói kích thích kinh tế

 
 
Tiền lương thực tế liên tục giảm, Thủ tướng Nhật Bản sốt sắng triển khai gói kích thích kinh tế
Tiền lương thực tế ở Nhật Bản giảm mạnh nhất trong hơn 7 năm. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này giảm và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2015.

Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số tiền lương thực tế ở Nhật Bản giảm là do giá cả hàng hóa tiêu dùng, nhất là điện và khí đốt, tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng của tiền lương danh nghĩa.

Cũng trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không bao gồm tiền thuê nhà ở Nhật Bản (được sử dụng để tính chỉ số tiền lương thực tế) cũng tăng tới 4,4%.

Theo MHLW, tổng tiền lương danh nghĩa bình quân ở Nhật Bản tăng 1,8% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái lên 275.888 Yen (2.019 USD)/người.

Trong tổng tiền lương danh nghĩa, các khoản chi trả thường xuyên, bao gồm lương cơ bản, tăng 1,3%; tiền làm thêm giờ và các khoản chi trả không thường xuyên khác tăng 7,9%; còn tiền thưởng và các khoản chi trả đặc biệt khác tăng 1,1%.

Mặc dù tiền lương thực tế giảm nhưng theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), trong tháng 10, chi tiêu thực tế của các hộ gia đình ở nước này vẫn tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chi nhiều tiền hơn cho các chuyến đi du lịch, sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và tung ra chương trình trợ cấp nhằm vực dậy ngành du lịch trong nước.

Theo MIC, chi tiêu bình quân của một hộ gia đình có từ 2 người trở lên ở Nhật Bản trong tháng 10 là 298.006 Yen/hộ. Sau khi được điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, chi tiêu thực tế của các hộ gia đình Nhật Bản tăng 1,1%.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị các bộ trưởng nhanh chóng triển khai các biện pháp kinh tế trong dự thảo ngân sách bổ sung tổng trị giá lên tới 28.922,2 tỷ Yen (khoảng 208 tỷ USD) mà Quốc hội nước này vừa thông qua cuối tuần trước.

Phát biểu tại cuộc họp của nhóm công tác về hỗ trợ toàn diện sinh kế cho người dân, Thủ tướng Kishida cho biết các biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện và khí đốt đối với các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh sẽ có hiệu lực sau tháng 1/2023.

Một số địa phương sẽ bắt đầu trợ cấp khoảng 720 USD cho phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con từ đầu năm sau.

Ngoài ra, Thủ tướng Kishida cũng kêu gọi các bộ trưởng chủ động lắng nghe trực tiếp tiếng nói của người dân và đảm bảo thực hiện hiệu quả tất cả các biện pháp.

 

Theo Việt An (Báo Thế giới và Việt Nam)

https://baoquocte.vn/tien-luong-thuc-te-lien-tuc-giam-thu-tuong-nhat-ban-sot-sang-trien-khai-goi-kich-thich-kinh-te-208842.html